Năm 2030 sẽ có 2,8-3 triệu dân
Sáng nay (20/5), UBND TP Hải Phòng phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là sự kiện quan trọng trong sự phát triển của thành phố, nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch chung được lập trên toàn bộ địa giới hành chính với tổng diện tích hơn 1.500 km2, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ.
Với tầm nhìn mới, Hải Phòng sẽ có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Theo đó, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030 khoảng 2,8-3,0 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa 74-76%; đến năm 2040 khoảng 3,9-4,7 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-86%.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, đồ án đến nay được phê duyệt là căn cứ để Hải Phòng làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn. Địa phương cần tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị, tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc. Tổ chức lập Điều chỉnh Quy hoạt chung xây dựng khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, khu vực quốc gia Cát Bà, khu đô thị Thủy Nguyên…
Khi nghiên cứu triển khai các dự án đầu tự tại các khu vực bãi bồi, lấn biển phải tuân thủ các quy định về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đánh giá các tác động đến kinh tế – xã hội, cảnh quan môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Xu hướng đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân cho hay: “Việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đã đề ra, thành phố tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành thuộc thành phố cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để đưa Hải Phòng phát triển xứng tầm khu vực và cả nước”.
Theo quy hoạch, Hải Phòng sẽ phát triển từ mô hình “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” thành mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”. Cấu trúc không gian đô thị: Hai vành đai – Ba hành lang – Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Trong đó, hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ – du lịch – đô thị hướng ra biển; Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng.
Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh bao gồm: Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở Hải An và Dương Kinh; Đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.
Về định hướng phát triển hạ tầng đô thị thông minh, Hải Phòng sẽ xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng thông tin băng thông rộng. Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh tại các đô thị mới; trung tâm ứng dụng chương trình kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu Bigdata khu vực Đông Nam Á ở Dương Kinh. Đề xuất xây dựng mới khu vực công nghiệp công nghệ thông tin (công nghiệp ICT) ở Nam Đình Vũ, Kiến Thụy, Tiên Lãng.
Về định hướng phát triển hạ tầng kinh tế, Hải Phòng đề xuất điều chỉnh ranh giới khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải để bổ sung đất phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng tại Tràng Duệ 3, Lạch Huyện, Bến Rừng 2, Tam Hưng – Ngũ Lão, đảo Cái Tráp.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng sẽ phát triển khu thương mại tự do trong khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Hình thành các tuyến phố thương mại, dịch vụ, cửa hàng miễn thuế…