Cứ mỗi khi bước vào tháng Năm, TP. Hải Phòng lại bừng lên với nắng vàng, hoa phượng và rực rỡ cờ hoa. Trên mọi gương mặt người dân đất Cảng luôn ánh lên niềm vui, phấn khởi và rất đỗi tự hào.
Cầu Rào 2 nối liền và mở rộng không gian đô thị của quận Lê Chân và quận Dương Kinh. Ảnh: Hồng Phong |
Hải Phòng đang trong một năm tăng tốc phát triển, như Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Tùng đã nói: “Năm 2024 được Hải Phòng xác định là năm bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025) của Thành phố”. Đây cũng chính là năm bản lề để toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố thực hiện mọi nhiệm vụ nhằm hoàn thành các mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Nhìn lại năm 2023, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế – xã hội TP. Hải Phòng vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng vẫn tiếp tục trong tốp đầu cả nước. Tình hình chính trị, xã hội tiếp tục được ổn định, tiềm lực quốc phòng được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khu vực biên giới, biển đảo được giữ vững.
Những con số được tổng kết là minh chứng rõ nét cho thấy một năm thành công của Hải Phòng. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,34%. Hải Phòng duy trì 9 năm liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 7.960 USD/năm, vẫn bám sát được kế hoạch đã đề ra của năm 2023. Các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, văn hóa xã hội được đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân Thành phố.
Cũng trong năm này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 đồ án quy hoạch quan trọng. Đó là Quy hoạch TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch cấp tỉnh TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thành phố tiếp tục đầu tư vào hạ tầng đô thị với việc khởi công nhiều dự hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, như Trung tâm Chính trị – Hành chính và Trung tâm Hội nghị – Biểu diễn Thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm. Việc mở rộng không gian kinh tế vùng vẫn được đẩy mạnh, tiếp nối với việc xây dựng cầu Lại Xuân và Nút giao thông khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng – Máng Nước với Quốc lộ 5. Rồi đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP và Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu tại huyện Cát Hải.
Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, như xây dựng các bến cảng từ số 3 đến số 8, xây dựng Cầu Bến Rừng sang Quảng Ninh. Đồng thời, đầu tư xây mới Khu công nghiệp Tiên Thanh tại huyện Tiên Lãng, các cụm công nghiệp tại huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão.
Là một thành phố được ghi nhận đã làm tốt việc tạo chỗ ở, nơi an cư cho người dân, công nhân, người lao động đang làm việc, sinh sống tại địa phương, trong năm 2023, Hải Phòng đã tập trung triển khai xây dựng 4 khu vực nhà ở xã hội tại quận Ngô Quyền, khu vực Tràng Duệ (huyện An Dương), khu Tràng Cát và khu Đình Vũ (quận Hải An). Như vậy, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu hơn 14.500 căn hộ được giao.
Hải Phòng đặc biệt ghi dấu ấn đậm nét trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2023, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hải Phòng đạt 3,5 tỷ USD, vượt 1,75 lần so với kế hoạch, gấp 1,4 lần so với thực hiện năm 2022 và đứng thứ 2 cả nước. Điều này đã đưa kết quả thu hút FDI của Thành phố đến gần hơn với đích mục tiêu của nhiệm kỳ là 12 tỷ USD. Trong đó, riêng Tập đoàn LG đầu tư thêm gần 3 tỷ USD vào Hải Phòng trong 2 năm qua.
“Thành công của Tập đoàn LG tại Hải Phòng là minh chứng rõ nét cho thấy môi trường đầu tư của Thành phố luôn hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc và các nhà đầu tư lớn khác trên thế giới”, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng từng khẳng định.
Còn ông Baek Chan, Tổng giám đốc điều hành Công ty LG Electronics Việt Nam phấn khởi chia sẻ: “Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Đặc biệt, TP. Hải Phòng là một trong những thành phố đang phát triển nhanh nhất, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Ở Hải Phòng, không chỉ LG Electronics, LG Display, LG Innotek, LG Chem, mà còn các doanh nghiệp như LS, LX đang đầu tư, cùng nhiều doanh nghiệp đang khảo sát để đầu tư vào đây. Điều này cho thấy, Hải Phòng không những tổ chức sự kiện để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, mà còn tận tâm theo dõi và hỗ trợ doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc và khó khăn trong kinh doanh”.
Bước sang tháng Năm lịch sử này, nhìn lại bức tranh kinh tế – xã hội quý I/2024, GRDP của Hải Phòng tăng trưởng 9,32%, gấp 1,65 lần bình quân chung cả nước là rất đáng ghi nhận. Với kết quả này, Hải Phòng vẫn vững vàng nằm trong tốp dẫn đầu cả nước (xếp thứ 7), dẫn đầu khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là bước khởi đầu, là nền tảng rất quan trọng để Hải Phòng phấn đấu đạt mức tăng trưởng 11,5-12% trong năm 2024, kéo dài thành tích hàng chục năm liền đạt tăng trưởng ở mức 2 con số và tiếp tục khẳng định vị thế của mình.
Bên cạnh hoạt động kinh tế sôi động, khẩn trương, thì đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thành phố vẫn được quan tâm. Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng đã thành thương hiệu được “đóng đinh” với hơn 2,1 triệu người dân Thành phố, cùng hàng triệu lượt du khách đã từng đến và sẽ đến dự với Hải Phòng. Những ngày này, cả Hải Phòng như bừng lên sức sống mới, với hoa phượng đỏ và rực rỡ ánh nắng mặt trời.
Những lời sẻ chia đầy trách nhiệm, với tình cảm dành cho lãnh đạo Thành phố, cho Hải Phòng của ông Baek Chan cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã thực sự yêu mến Hải Phòng. Nhưng điều đó cũng tạo thêm trách nhiệm lớn hơn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hải Phòng trong vai trò của chủ nhà mến khách. Không chỉ là lời nói “ngoại giao” nữa, mà đó chính là hành động của Hải Phòng để thành phố này luôn là bến đỗ của không chỉ những “đại bàng”, mà tất cả “chim sẻ” cũng yên tâm, tự tin đến xây tổ. Hải Phòng đang tự tin và vững bước đi tới tương lai.
– GRDP tăng 11,5 – 12% so với năm 2023.
– GRDP bình quân đầu người đạt 9.000 USD.
– Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 15%.
– Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 106.700 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 45.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 60.000 tỷ đồng.
– Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 210.000 tỷ đồng.
– Sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 190 triệu tấn.
– Kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD.
– Thu hút khách du lịch đạt trên 9,1 triệu lượt khách.
– Xây dựng nông thôn mới: hoàn thành xây dựng 35 xã nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2023; năm 2024 chỉ triển khai 13 xã, trong đó 10 xã thuộc huyện Thủy Nguyên và 3 xã thuộc huyện An Dương.
– Tỷ trọng Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng đạt 44%.
– Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2 – 2,5 tỷ USD.
– Tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức 3,5%.
– Giải quyết việc làm cho 57.900 lượt người lao động.
– Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ là 39%.
– Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%.
– Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia là 0,38%.
– Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%.
– Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý hợp vệ sinh đạt 100% ở đô thị và đạt 80% ở nông thôn.
– Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 40,77%.
Nguồn: https://baodautu.vn/hai-phong-nhung-ngay-thang-nam-lich-su-d214807.html