Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1516/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó đưa ra định hướng “xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, của Bắc Bộ và cả nước”.
Bốc dỡ container tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Động lực phát triển của vùng Bắc Bộ
Quy hoạch đã nêu mục tiêu tổng quát trong thời kỳ 2021-2030 là “xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ…”.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng đưa ra các chỉ tiêu cụ thể cho Hải Phòng trong giai đoạn này, trong đó các chỉ tiêu về kinh tế đáng chú ý có: tỷ trọng đóng góp GRDP của Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 6,8%; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 558 triệu đồng tương đương khoảng 21.700 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 8,9-10,7%/năm; kinh tế số đạt khoảng 40% GRDP thành phố;
Ba đột phá của Hải Phòng
Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Quy hoạch đã nêu bật ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của Hải Phòng gồm:
Thứ nhất, về cảng biển và dịch vụ logistics, Hải Phòng sẽ nỗ lực để “trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới”.
Thứ hai, về chuyển đổi số, xây dựng Hải Phòng thành địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố dựa trên áp dụng công nghệ số, dữ liệu số. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư.
Thứ ba, về phát triển du lịch, Hải Phòng dự kiến sẽ xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà-Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Hải Phòng dự kiến sẽ ưu tiên phát triển các ngành chủ lực có vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của thành phố, gồm: Sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin; Dịch vụ cảng biển và logistics; Thương mại, đồng thời đặt mục tiêu phấn đấu ba nhóm ngành này chiếm tỷ trọng khoảng 55-60% giá trị tăng thêm trên địa bàn thành phố vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ khuyến khích nhóm ngành kinh tế có nhiều triển vọng phát triển như kinh tế số; kinh doanh bất động sản; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ du lịch, văn hóa, nghệ thuật; dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao; điện gió ngoài khơi; xây dựng;…
Chế biến thủy sản ở Hải Phòng. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Mặt khác, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì hợp lý, hiệu quả và bền vững các nhóm ngành khai thác thế mạnh đặc trưng truyền thống của thành phố như: Sản xuất trang phục; sản xuất thiết bị điện; sản xuất máy móc, thiết bị; cơ khí tiêu dùng và cơ khí giao thông; chế biến nhựa, cao su; đóng mới và sửa chữa tàu biển;…
Thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại Thủy Nguyên
Trong giai đoạn 2021-2030, Hải Phòng sẽ có hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ-du lịch-đô thị hướng ra biển; Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thủy Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng.
Về quy hoạch hệ thống đô thị, Thành phố Hải Phòng được xác định là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Đến năm 2030, hệ thống đô thị gồm: Khu vực nội thị (09 quận, trong đó có 07 quận hiện hữu: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh và 02 quận thành lập mới: An Dương, Kiến Thụy); 01 đô thị loại III (thành phố Thủy Nguyên, bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên); 04 đô thị loại IV; 06 đô thị loại V. Bên cạnh đó, Hải Phòng dự kiến sẽ xây dựng thí điểm đô thị thông minh tại Thủy Nguyên và phát triển rộng ra các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Sau năm 2030, Thành phố sẽ phát triển các huyện An Lão, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng trở thành thị xã; huyện Cát Hải trở thành quận biển đảo.
Đối với khu vực nông thôn, Hải Phòng sẽ phát triển khu vực nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy tối đa điều kiện tự nhiên, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai; đảm bảo bền vững, định cư lâu dài, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu những thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai gây ra; bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch, dịch vụ thương mại và phát triển sản phẩm OCOP.
Riêng với khu vực nông thôn thuộc thành phố Thủy Nguyên và các huyện dự kiến lên thị xã gồm An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Hải Phòng dự kiến sẽ phát triển khu vực này theo hướng hiện đại hóa, chủ yếu phát triển các ngành nghề mới và chuyên môn hóa như sản xuất tiểu thủ công nghiệp-xây dựng và dịch vụ; phát triển dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, du lịch, nghỉ dưỡng và hướng tới các tiêu chuẩn của đô thị./.
Tố Như