DNVN – Sở Công Thương Hải Phòng đề xuất Chính phủ xem xét ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp tương tự như các ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp…
Theo Sở Công Thương Hải Phòng, việc hình thành các cụm công nghiệp (CCN) đã mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội, tạo điều kiện thuận lợi về khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.
Đến nay, tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt khá cao, các dự án đầu tư trong CCN đã thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thành phố Hải Phòng cũng gặp không ít những tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có những tồn tại kéo dài nhưng chưa có chính sách, giải pháp hiệu quả để giải quyết. Pháp luật liên quan đến quản lý CCN còn nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn. Nhiều nội dung phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định để giải quyết.
Từ nay đến năm 2030, thành phố Hải Phòng sẽ phát triển thêm khoảng 20 CCN.
Cụ thể, thủ tục thành lập CCN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển CCN.
Rất nhiều CCN dù phù hợp với các quy hoạch liên quan và có nhà đầu tư đăng ký nhưng chưa thể thành lập do vướng quy định về tỷ lệ lấp đầy theo quy định tại Nghị định số 68 của Chính phủ.
Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1516. Theo đó, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố sẽ có 36 CCN với tổng diện tích khoảng 1.600 ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030, thành phố Hải Phòng sẽ phát triển thêm khoảng 20 CCN.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 32 về quản lý, phát triển CCN. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024, Nghị định này cơ bản đã giải quyết được sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực: đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng liên quan đến CCN, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Hải Phòng có thể thành lập thêm các CCN theo phương án phát triển CCN.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển CCN theo Quy hoạch thành phố Hải Phòng, Sở Công Thương Hải Phòng đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Công nghiệp hỗ trợ và ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 32/2024 về quản lý, phát triển CCN.
Đề xuất Chính phủ xem xét ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các CCN (chủ yếu là các doanh nghiệp trong nước, quy mô nhỏ và vừa) tương tự như các ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp. Có cơ chế hỗ trợ đối với các CCN hiện trạng không thể chuyển giao chủ đầu tư sang cho doanh nghiệp để hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng và duy trì hoạt động của CCN.
Phối hợp với Bộ KH&ĐT đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Với những kiến nghị trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT trong quá trình đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện quy định của pháp luật về đầu tư.
Liên quan đến kiến nghị về các chính sách ưu đãi doanh nghiệp tại CCN, Bộ Công Thương cho rằng, Nghị định 32 đã quy định về ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN và việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Cụ thể, về ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN, tại Điều 25 Nghị định 32, Chính phủ quy định: CCN là địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng sản xuất kinh doanh trong CCN được thực hiện quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Về hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 32, Chính phủ quy định: ngân sách địa phương (đã bao gồm thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương) cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN trên địa bàn theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước…
Vì vậy, Thành phố Hải Phòng căn cứ vào các quy định nêu trên và pháp luật chuyên ngành có liên quan, điều kiện thực tế của địa phương để tổ chức thực hiện theo quy định.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/hai-phong-de-xuat-co-chinh-sach-uu-dai-cho-doanh-nghiep-tai-cum-cong-nghiep/20240520034538162