Để tránh áp lực đối với cha mẹ học sinh trong điều kiện khắc phục hậu quả, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Sở GD&ĐT Hải Phòng đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp và chỉ đạo các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý và yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở thực hiện nghiêm quy định về công khai học phí, các khoản thu khác được quy định của Bộ GD&ĐT.
Trong đó, các hiệu trưởng cần nghiêm túc khi tổ chức họp với cha mẹ học sinh để công khai các khoản thu đầu năm, giải trình tất cả các khoản thu nhất là các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo Nghị quyết TP đã quy định và các khoản thu từ hoạt động dạy thêm, học thêm, dạy liên kết, thu mua, thu hộ…
Ngành giáo dục Hải Phòng nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện phụ huynh học sinh lớp, trường để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Tuyệt đối không sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện phụ huynh học sinh cho các mục đích như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Sở GD&ĐT yêu cầu không tổ chức vận động tài trợ từ phụ huynh học sinh. Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ khác phải thực hiện đúng quy định theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Các trường phải rà soát, nắm tình hình để kịp thời hỗ trợ, miễn, giảm các khoản thu đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giãn, hoãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp một lần đối với các khoản thu theo tháng, học kỳ và không tổ chức thu nhiều khoản trong cùng một thời điểm.
Đối với các cơ sở giáo dục tư thục: thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai giá dịch vụ, công khai, thỏa thuận học phí và các khoản thu của nhà trường với phụ huynh học sinh. Tuyệt đối không tự ý, tùy tiện tăng mức thu học phí và các khoản thu khác.
Đồng thời tích cực, trách nhiệm trong thực hiện các chế độ hỗ trợ, miễn giảm đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Sau bão số 3, khoảng 2.687 phòng học trên địa bàn TP Hải Phòng bị tốc mái, trong đó hơn 1.000 phòng phải sửa chữa lớn. Số phòng học bộ môn bị ảnh hưởng là 369, với gần 100 phòng cần được sửa chữa lớn. Các công trình phụ trợ như nhà xe, phòng y tế, khu vệ sinh cũng chịu thiệt hại nặng nề, với hơn 700 công trình không thể sử dụng.
Ngoài ra, 220 phòng hỗ trợ học tập (gồm phòng máy tính, đa năng) và 65 phòng sinh hoạt như nhà bếp, nhà ăn không thể hoạt động. Gần 4.000 cây xanh tại các trường học bị hư hại và gãy đổ.
Hệ thống trường lớp và thiết bị dạy học đã bị hư hỏng nặng, gây đình trệ hoạt động dạy học. Sở GD&ĐT đã kiến nghị UBND TP bố trí kinh phí khắc phục các công trình thiết yếu, trước hết là sửa chữa phòng học để đảm bảo hoạt động dạy học. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng chức năng đảm bảo an toàn giao thông, cấp điện, nước, và khôi phục hệ thống thông tin liên lạc để đảm bảo điều kiện dạy học khi học sinh quay trở lại trường.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hai-phong-cam-cac-truong-van-dong-phu-huynh-tai-tro-sau-bao-so-3.html