YênBái – Với việc chinh phục chứng chỉ IELTS, Anh Tuấn và Đức Hiếu đã xóa bỏ định kiến “IELTS cuộc đua không dành cho học sinh vùng khó” hay “Cửa vào đại học tốp trên hẹp dần với học sinh vùng khó do chứng chỉ IELTS”. Hai em đại diện cho một thế hệ trẻ ở vùng cao Mù Cang Chải dám ước mơ, dám hành động để đạt được ước nguyện của mình, trở thành tấm gương sáng khích lệ tinh thần học tập của học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn.
Khác xa với các học trò ở các vùng đồng bằng, đô thị, việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học trò vùng cao Mù Cang Chải – nơi có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo trên 48% (năm 2022) rất thiếu thốn, gian nan. Các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn không có, đội ngũ giáo viên tiếng Anh của huyện còn thiếu, sức cạnh tranh trong học tập của học sinh còn rất khiêm tốn… Thế nhưng, vượt lên mọi khó khăn của môi trường, hoàn cảnh học tập, hai nam sinh Giàng Anh Tuấn và Phan Đức Hiếu – học sinh lớp 12A1 Trường THPT Mù Cang Chải đã trở thành những học trò đầu tiên của huyện vùng cao Mù Cang Chải đạt chứng chỉ IELTS 7.0 ngay lần đầu dự thi một cách rất đáng ngưỡng mộ.
Chưa từng đến một lò luyện thi cũng như chưa biết đến một buổi học với giáo viên người nước ngoài hay một tiết học ở trung tâm ngoại ngữ…, vốn liếng có được của Tuấn và Hiếu là những tiết học trên lớp, cùng sự đam mê tìm tòi tài liệu trên mạng Internet.
Hai em bắt đầu có ý định ôn thi IELTS trước ngày thi chừng một tháng. Hiếu chia sẻ: “Ban đầu, tìm hiểu về kỳ thi này, em khá hoang mang, bởi kiến thức của em chỉ vỏn vẹn là những kiến thức học ở trường phổ thông và thiên về ngữ pháp. Trong khi đó, để có chứng chỉ IELTS đòi hỏi cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và đòi hỏi thí sinh phải có một lượng kiến thức xã hội khá phong phú.
Chúng em cũng tự nhận ra được điểm yếu của mình và bắt đầu lên mạng và tìm các bài giảng trực tuyến hoặc các kênh Youtube hướng dẫn cách học IELTS. Sau đó, để rèn luyện kỹ năng nghe, em bắt đầu tập nghe các bài học trên mạng. Sau khi nghe một cách nhuần nhuyễn, em bắt đầu tập nói theo hướng dẫn. Chúng em cũng có tìm hiểu và đăng ký một khoá học online ngắn luyện thi IELTS”.
Được biết, để luyện kỹ năng nói, Hiếu nói nhiều và nói hàng ngày. Thậm chí, dù ở một mình, không có ai để tương tác, trò chuyện, em lại xem như đó là một “lợi thế”. Nghĩa là khi có một việc gì đó, em đều tự vạch ý trong đầu và em sẽ tự diễn đạt lại bằng tiếng Anh một mình và tự đặt ra các ngữ cảnh để tự hỏi, tự trả lời.
Thêm nữa, các em thường đến các homestay trên địa bàn huyện vào cuối tuần để có cơ hội giao tiếp với du khách nước ngoài và quảng bá các địa danh nổi tiếng của huyện, từ đó gia tăng vốn từ và cách phát âm, nhả chữ sao cho đúng.
Cùng với đó, các em đã hình thành sở thích đọc sách báo hay nghe bản tin tiếng Anh. Ở phần ngữ pháp, em tự luyện đề và nhờ giáo viên tiếng Anh ở lớp hỗ trợ thêm một số tài liệu. Phần nào chưa hiểu hoặc chưa biết sẽ nhờ giáo viên giảng thêm.
Ở trường, hai em đều có thành tích nổi bật. Nếu như em Giàng Anh Tuấn 2 năm liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh thì em Phan Đức Hiếu cũng nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Cả hai em đều được các thầy cô đánh giá là những học sinh nổi bật và xuất sắc của trường.
Trong kỳ thi vào ngày 8/4/2023, tại Trung tâm TDL IELTS, Anh Tuấn và Đức Hiếu là 2 học sinh vùng cao duy nhất của tỉnh Yên Bái dự thi và đạt thành tích cao với điểm trung bình của cả 4 phần: nghe, nói, đọc, viết là 7.0 điểm. Với thành tích này, Hiếu và Tuấn là hai học sinh đầu tiên của huyện Mù Cang Chải có chứng chỉ IELTS.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Giàng Anh Tuấn và Phan Đức Hiếu cho biết cả hai đều dự định sẽ đăng ký vào các ngành công nghệ thông tin bởi các em có niềm đam mê với máy tính và công nghệ.
Với việc chinh phục chứng chỉ IELTS, Anh Tuấn và Đức Hiếu đã xóa bỏ định kiến “IELTS cuộc đua không dành cho học sinh vùng khó” hay “Cửa vào đại học tốp trên hẹp dần với học sinh vùng khó do chứng chỉ IELTS”. Hai em đại diện cho một thế hệ trẻ ở vùng cao Mù Cang Chải dám ước mơ, dám hành động để đạt được ước mơ của mình, trở thành tấm gương sáng khích lệ tinh thần học tập của học sinh vùng cao dù còn nhiều khó khăn.
Thanh Ba