Với 6 chiếc máy hỗ trợ cho việc sản xuất, kinh doanh nông sản địa phương, nam sinh Nguyễn Hữu Hữu và Nguyễn Tiến Duy, Trường cao đẳng nghề Phú Yên (TP.Tuy Hòa), giúp người dân cải thiện đời sống kinh tế.
Phát minh từ thực tế
Lớn lên ở H.Tuy An và TX.Đông Hòa (Phú Yên) với những cánh đồng sen lớn, cả Hữu lẫn Duy đều nhận ra nỗi vất vả của người nông dân khi dựa vào loại cây trồng này để làm kinh tế. Vì hầu như tất cả mọi công đoạn đều thực hiện hoàn toàn bằng tay.
“Quê mình là làng sen, đến mùa là gia đình nào cũng sống bằng nghề thu hoạch loại cây này. Trong đó, tim sen là sản phẩm được ưa chuộng nhất nhưng rất khó lấy và có nhiều công đoạn thủ công, làm trong 1 giờ chỉ được nửa ký”, Tiến Duy cho biết.
Vì muốn giúp công việc dễ dàng hơn, năm 2014, Duy và Hữu đã suy nghĩ cách chế tạo ra 1 chiếc máy tự động lột vỏ lấy tim sen và tăng tốc độ thu hoạch.
“Cả hai đều chuyên về cơ khí nên cứ học xong nguyên lý nào liên quan là áp dụng làm máy luôn, vì không có nhiều thời gian nên thường ở lại xưởng chế tạo của trường buổi đêm để nghiên cứu. Kinh phí ban đầu khá hạn hẹp chỉ khoảng 5 triệu đồng, còn sắt thép được thầy cô hỗ trợ và phải nghiên cứu làm sao máy dễ sử dụng, gần gũi với bà con”, Hữu cho hay.
Kể về lần làm máy đáng nhớ, Hữu chia sẻ: “Để kiểm tra hiệu quả của máy, bọn mình thường mua rất nhiều sen để thử nghiệm. Nhưng lần đó vì quá mùa nên không ai bán, cả hai phải tìm đến nhiều cánh đồng sen để kiểm tra máy”.
Khi máy hoàn thiện, Hữu và Duy đem đến cho người dân dùng thử. Ban đầu, vì không tin tưởng vào 2 chàng “kỹ sư” non tay nghề, mọi người ai cũng ngại và từ chối. Đến khi Hữu và Duy cho máy hoạt động hiệu quả, hướng dẫn kỹ càng, họ mới mua về sử dụng.
Là người đã mua 2 chiếc máy lột vỏ lấy tim sen tự động của Hữu và Duy, anh Lê Thanh Tạo, nông dân tại thôn Tân Hòa, H.Đồng Xuân (Phú Yên), cho biết: “Đến mùa thu hoạch, tôi hay lột tách vỏ lụa, chọc lấy tim sen rất lâu mà năng suất lại không được bao nhiêu. Khi dùng máy thì công việc nhanh hơn, gấp 3 lần so với trước, mà kiểu dáng lại nhỏ gọn, giá thành rẻ nên dự kiến sẽ mua thêm cho các đợt sau”.
Những chiếc máy giá trị hàng chục triệu đồng
Ngoài máy lột vỏ lấy tim sen, 2 nam sinh này còn chế tạo và nghiên cứu thêm nhiều loại máy khác, như: rang cà phê bán tự động, gọt vỏ và thái hạt lựu nha đam, khoan taro ren ốc vít tự động, lấy rác dưới biển…; và được 1 doanh nghiệp tại địa phương đặt hàng hằng tháng với giá dao động từ 10 – 25 triệu đồng/máy.
“Mỗi máy đều có kích thước gọn nhẹ, diện tích chỉ dưới 1 m2 nhưng đều đạt hiệu quả gần 90%, như máy gọt vỏ và thái hạt lựu nha đam trong vòng 1 tiếng đồng hồ có thể thu được 100 kg thành phẩm, gấp hơn chục lần so với việc làm bằng tay. Hiện tại, cả hai đang nghiên cứu máy làm bột sen để giúp cho bà con thêm việc chế biến thay vì chỉ bán sản phẩm thô”, Hữu cho biết.
Là người đã hướng dẫn và đồng hành cùng 2 nam sinh này, ông Nguyễn Tấn Tùng, kỹ sư chế tạo máy, giảng viên Khoa Cơ khí của Trường cao đẳng nghề Phú Yên, chia sẻ: “Vì hoàn cảnh gia đình nên Hữu và Duy chỉ có thể học nghề, nhưng cả hai đều rất đam mê, chịu khó để phát minh ra nhiều loại máy móc hỗ trợ người dân. Nhiều lúc hai em học xong là ở lại trường đọc tài liệu rồi cắm cúi làm việc nên không để ý gì đến bản thân, do đó tôi đặt niềm tin rất lớn vào thành công của hai bạn sau này”.
Chia sẻ về bí quyết nghiên cứu, Duy cho biết dù đang đi chơi, học hay làm việc đều đem theo cuốn sổ nhỏ, hễ thấy có vấn đề mới hay sáng kiến hay là ghi chép lại để thực hiện. “Phải học thật tốt và đam mê với việc này mới có thể theo đuổi lâu dài, lúc đọc tài liệu mình thường tư duy rộng để không bị bó hẹp ý tưởng và đặc biệt là làm vì muốn thay đổi hoặc mang lại lợi ích nào đó cho xã hội”, nam sinh này nói.