Mắc bệnh tan máu bẩm sinh, suốt 16 năm nay, chị Dương Bích Ngọc cùng con trai (quê Vĩnh Phúc) hằng tháng đều phải đến Viện Huyết học – Truyền máu trung ương truyền máu. Chị Ngọc nói: “Tôi được cứu sống là nhờ những người hiến máu tình nguyện”.
Chiều 19-12, báo Tiền Phong phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đơn vị tổ chức họp báo cung cấp thông tin về chương trình Chủ nhật đỏ lần thứ 17.
Được cứu sống nhờ những người hiến máu
Chia sẻ tại chương trình, chị Dương Bích Ngọc nhẩm tính trong suốt những năm qua, chị và con trai 16 tuổi đã được truyền hơn 800 đơn vị máu. Bởi tháng nào hai mẹ con cũng đi viện khoảng chục ngày, cứ ròng rã như thế từ năm 2008. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Là người bệnh gắn bó lâu năm với viện, chị Ngọc đã chứng kiến nhiều sự đổi thay trong hoạt động hiến máu. Nhiều năm trước, khi phong trào hiến máu chưa diễn ra sôi nổi như bây giờ, tình trạng thiếu máu thường xuyên xảy ra vào giai đoạn trước Tết, trong dịp hè.
“Bởi thời gian ấy thường không có người hiến máu tình nguyện. Giờ đây, nhờ sự chia sẻ của cộng đồng, nguồn máu để điều trị cho người bệnh đã ổn định hơn. Mỗi khi Tết đến, chúng tôi chỉ mong được điều trị sớm để về với gia đình”, chị Ngọc chia sẻ và cảm ơn tình cảm của các anh chị, cô chú đã trao tặng những giọt máu quý giá.
“Bởi mỗi giọt máu trao đến cho người bệnh chính là trao cho chúng tôi sự sống và cả niềm hy vọng để chúng tôi có đủ điều kiện sức khỏe tiếp tục công việc”, chị Ngọc xúc động nói.
Ông Tĩnh (53 tuổi), bệnh nhân 16 năm điều trị suy tủy xương tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, cũng chia sẻ mỗi tháng ông phải truyền 3-4 lít máu để duy trì sự sống. Ông gửi lời cảm ơn đến những người đã hiến máu tình nguyện, giúp ông và những người bệnh cần máu khác được kéo dài sự sống.
Một trong những chương trình vận động hiến máu tình nguyện được thực hiện bền bỉ nhiều năm qua là Ngày hội hiến máu Chủ nhật đỏ. Chương trình được tổ chức từ năm 2009 trong bối cảnh thiếu máu cho cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế trước và sau dịp Tết Nguyên đán.
Đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân dịp Tết Nguyên đán
Nhà báo Phùng Công Sưởng, tổng biên tập báo Tiền Phong, trưởng ban tổ chức Chủ nhật đỏ 2025, chia sẻ trong 16 năm tổ chức, thành quả lớn nhất của chương trình là góp phần thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ đối với việc hiến máu cứu người.
“Điều này được minh chứng bằng việc năm đầu triển khai Chủ nhật đỏ chỉ có chưa đầy 100 đơn vị máu được tiếp nhận. Đến nay, Chủ nhật đỏ đã lan rộng ra 55 tỉnh, thành trên cả nước, tiếp nhận trung bình hằng năm khoảng 55.000 đơn vị máu.
Nhiều bạn trẻ, nhiều nhóm đã tổ chức hội hiến máu, nhiều tổ chức của đoàn thanh niên đã thành lập những câu lạc bộ, tổ đội hiến máu mang tính thường xuyên, bất kể thời gian nào, hoàn cảnh nào cũng có thể hiến những giọt máu đào của mình cho người bệnh cần máu”, ông Sưởng nói.
Ông Nguyễn Hà Thanh, viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, ghi nhận đóng góp của chương trình trong phong trào hiến máu tình nguyện cả nước ngày càng có sức lay động, kêu gọi đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
“Tình trạng khan hiếm máu dịp Tết không còn đáng báo động như trước kia. Diễn ra giữa những ngày đông lạnh giá, nhưng các ngày hội Chủ nhật đỏ chưa năm nào vắng vẻ, tất cả người tham dự cùng góp sức tạo nên bầu không khí nhiệt huyết, đến để trao nhau hơi ấm tình người, trao gửi những món quà sự sống cho biết bao sinh mệnh”, ông Thanh chia sẻ.
Chương trình Chủ nhật đỏ năm nay sẽ thực hiện với quy mô vừa phải. Lễ phát động tại TP Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường… phù hợp với tình hình nhu cầu máu thực tế tại địa phương, hướng tới đáp ứng nhu cầu sử dụng máu trong và sau dịp Tết Nguyên đán.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hai-me-con-duoc-cuu-song-suot-16-nam-nho-nhung-nguoi-hien-mau-20241219174742946.htm