Ra đời vào thế kỉ 13 như một thú vui cho giới quý tộc chốn cung đình, hát bội dần len lỏi vào cuộc sống người dân, trở thành giá trị tinh thần và văn hóa ăn sâu vào nếp sống của người dân Nam Bộ nói chung và tại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Hát bội, hay còn gọi là hát tuồng, là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian phổ biến ở cả ba miền đất nước. Giai đoạn những năm 1848 – 1883, dưới thời Vua Tự Đức, được xem là thời kì hoàng kim của loại hình nghệ thuật này. Theo tài liệu nghiên cứu của NSND Đinh Bằng Phi, sự phát triển của hát bội thể hiện rõ nét trong đời sống ở thôn quê và trong nếp sinh hoạt của vua chúa chốn hoàng triều.
Đặc biệt, vở diễn Hai mặt cuộc đời Nhà hát nghệ thuật hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn duy trì các suất diễn tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) và Thảo Cầm Viên (Quận 1)… vào mỗi cuối tuần. Trước buổi biểu diễn, đơn vị thường tổ chức giao lưu về cách thức hóa trang nhân vật, trình diễn nhạc cụ dân tộc… để khán giả có thể tìm hiểu và yêu thích hơn loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này. Vietnam.vn mời các bạn thưởng thức hình ảnh nhân vật hoá thân trong hát bội qua vở diễn “Hai mặt cuộc đời” của tác giả Thi Tho Doan. Bộ ảnh đã được tác giả gửi về tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Nghệ thuật hóa trang mặt nạ hát bội vốn dĩ diễn tả diện mạo các nhân vật theo hình thức tượng trưng, diễn viên phải bỏ nhiều công sức học hỏi để tự biết cách trang điểm, vẽ mặt nạ cho chính mình theo từng vai diễn, từng loại nhân vật.
Từng màu sắc được khắc họa trên gương mặt hay thể hiện trên các bộ trang phục biểu diễn đều chứa đựng ý nghĩa riêng, thể hiện tính cách của nhân vật là “hiền” hay “độc”.
Một chút “bí quyết” để hiểu và nhận biết các nhân vật trên sân khấu hát bội: phần nền da mặt là màu đỏ son chỉ người anh hùng trung trinh tiết liệt; màu trắng mốc là kẻ gian thần, dua nịnh; màu đen của người chất phác bộc trực, nóng nảy nhưng ngay thẳng, chân thực; màu xám nhợt là người có tuổi; màu xanh ám chỉ người mưu mô xảo quyệt, lũ yêu ma…
Vẽ vòng quanh mắt cũng có nhiều loại mang nhiều ý nghĩa khác nhau: tròng xéo là kép võ còn trẻ con (con nhà tướng), tròng đứng là võ tướng. Mặt vẽ nhiều rằn ri là người hung ác, tướng cướp, yêu đạo.
Râu đen xoắn là người dữ dằn, nóng tính. Râu cắt (đen, đỏ) là người có tính khôi hài. Râu chuột chỉ kẻ liến thoắng, người bộp chộp. Riêng râu liên tu có 3 màu: đen – kẻ gian nịnh, bạc – lão tướng anh hùng, đỏ – tướng phản phúc, yêu đạo, phù thủy.
Như vậy, với những gương mặt hóa trang hát bội có độ đậm nhạt rõ ràng, màu sắc có xu thế tương phản mạnh, đối chọi nhau về sắc độ thường được vẽ cho các gương mặt của võ tướng, những nhân vật có cá tính, võ biền, quyết liệt hay những nhân vật đặc biệt. Những gương mặt được vẽ với sắc độ trung tính, nhẹ nhàng, hòa sắc dịu thì thường dùng cho gương mặt của lão văn, lão tiều, phụ nữ và trẻ em…
Năm 2024, Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam” tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trên trang web https://happy.vietnam.vn dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 15 tuổi trở lên. Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những sản phẩm thông tin tích cực, đóng góp thiết thực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam ra thế giới. Qua đó giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp cận những hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, hướng tới một Việt Nam hạnh phúc.
Mỗi hạng mục dự thi (ảnh và video) có các giải thưởng và giá trị giải thưởng như sau:
– 01 Huy chương Vàng: 70.000.000đ
– 02 Huy chương Bạc: 20.000.000đ
– 03 Huy chương Đồng: 10.000.000đ
– 10 giải Khuyến khích: 5.000.000đ
– 01 tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: 5.000.000đ
Các tác giả đạt giải sẽ được Ban Tổ chức mời tham dự Lễ công bố và trao giải thưởng và giấy chứng nhận trên sóng truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.
Vietnam.vn