Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Hải Lăng đã và đang triển khai nhiều dự án động lực và trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các dự án lớn trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị như Khu bến cảng Mỹ Thủy và Khu công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn 1). Đây chính là cơ hội thuận lợi, là dư địa để huyện Hải Lăng tiếp tục kêu gọi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Tuy nhiên, để các dự án đầu tư được triển khai thuận lợi, đúng yêu cầu tiến độ thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của địa phương là hết sức quan trọng.
Giải phóng mặt bằng, “đòn bẩy” hỗ trợ, thu hút đầu tư
Huyện Hải Lăng xác định công tác GPMB đóng vai trò quan trọng trong đầu tư xây dựng các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh. Đây là vấn đề khó, phức tạp nhưng lại có ý nghĩa hết sức quan trọng bảo đảm thực hiện thành công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, góp phần tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Khẩn trương thi công mặt bằng Khu công nghiệp Quảng Trị -Ảnh: H.N.K
Theo đó, huyện chủ động công khai dự án, các chế độ, chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất để người dân được biết. Các cơ quan chuyên môn, các địa phương tập trung rà soát kiểm kê, phân loại đất, cung cấp thông tin trích đo thửa đất, hiện trạng đất của từng hộ dân. Thường xuyên kiểm tra quá trình đo đạc, xác định diện tích, loại đất, thửa đất, thiết lập hồ sơ GPMB, kiên quyết không để xảy ra trường hợp cố tình làm sai lệch hồ sơ để trục lợi.
Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động trên nguyên tắc “Dễ làm trước, khó làm sau”, với phương châm: “Đến từng ngõ-gõ từng nhà-rà từng đối tượng”; “Đối tượng nào, phương pháp ấy”, tham khảo ý kiến những người cao tuổi, có uy tín, lực lượng nòng cốt ở địa phương; vận động, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên trong thực hiện, làm trước, nêu gương; phân loại đối tượng theo nhóm để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Với sự nhiệt tình của mỗi cán bộ làm công tác dân vận, dần dần người dân đã hiểu biết, chuyển biến nhận thức, nắm rõ cơ chế, chính sách và đồng thuận.
Vì vậy, tính từ năm 2015 đến nay, huyện đã bàn giao mặt bằng sạch đúng thời hạn 124 công trình, trong đó có các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, huyện như: Khu tái định cư xã Hải Khê và đường vào khu tái định cư, Đường cao tốc Cam Lộ- La Sơn, Đường dây 500kV Quảng Trạch- Dốc Sỏi, Đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đoạn qua huyện Hải Lăng, Khu tái định cư xã Hải An (giai đoạn 1), Nhà máy cấu kiện bê tông cảng Mỹ Thủy, Nhà máy xử lý nước sạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim...
Qua đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, trung ương trên địa bàn được xây dựng và đưa vào hoạt động đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Từ thực tế những kết quả đạt được trong công tác bồi thường, GPMB thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là các chi bộ cơ sở xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, kịp thời nắm bắt và có biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ khi mới phát sinh, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên không gương mẫu trong việc chấp hành quy định pháp luật.
Đặc biệt là các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành để quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt, ngăn chặn việc lấn chiếm, xây dựng trái phép và hạn chế việc tranh chấp, đảm bảo cơ sở xác định đúng hiện trạng, nguồn gốc và thời gian sử dụng đất, phục vụ tốt việc kiểm điểm, áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ một cách chính xác, đúng quy định.
Đồng thời ngăn chặn các trường hợp xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi khi thu hồi đất; thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với từng dự án cụ thể được xây dựng kế hoạch GPMB chi tiết, trong đó xác định rõ mốc thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ theo quy trình GPMB, phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với từng công việc. Khi lập kế hoạch và thực hiện GPMB phải đảm bảo trình tự, thủ tục quy định và đúng thực tế từng dự án, đồng thời vận dụng linh hoạt giữa các bước trong trình tự để rút ngắn thời gian GPMB nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Công tác xác nhận nguồn gốc, chủ sử dụng đất, loại đất mất nhiều thời gian, do đó địa phương cấp xã nơi có dự án đã quan tâm, tập trung thời gian cho việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, đối tượng sử dụng đất để cung cấp cho đơn vị thực hiện GPMB tiến hành áp giá và công khai phương án, kinh phí GPMB cho người dân biết, thực hiện.
Chủ động xây dựng khu tái định cư và bố trí đất tái định cư kịp thời cho người dân trước khi người dân bàn giao mặt bằng để xây dựng dự án. Để tạo lòng tin của Nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường GPMB, huyện đã thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch và đối thoại với các đối tượng bị thu hồi đất, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện để kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi, đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án được giao.
Đặc biệt là quan tâm đến việc chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong diện phải thu hồi đất. Xây dựng các đề án, kế hoạch đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp
Hiện nay, đứng trước thời cơ và vận hội mới, trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đô thị và nông thôn, với vai trò, vị trí của huyện Hải Lăng nên định hướng quy hoạch phát triển trở thành trung tâm kinh tế phía Nam của tỉnh Quảng Trị, huyện trọng điểm công nghiệp trước năm 2030 và trở thành thị xã đến năm 2040 là cần thiết và phù hợp.
Theo đó, huyện Hải Lăng xác định rõ mục tiêu và lộ trình phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội theo hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp, trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.
Xây dựng nền công nghiệp với năng lực sản xuất mới, khả năng thích ứng, chống chịu cao; có mức tăng trưởng cao để làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, hình thành một số ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp sạch theo hướng tự nhiên, hữu cơ, bền vững theo hướng sinh thái. Huy động mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật công nghiệp, dịch vụ và đô thị.
Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2025-2030 đạt bình quân 14-15%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 130-160 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 20%/năm giai đoạn 2023-2030. Giá trị sản xuất CN-TTCN&XD đạt từ 14.000- 15.000 tỉ đồng/năm, chiếm 49-50% cơ cấu giá trị sản xuất của huyện; chiếm 15-17% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2023- 2030 là 17-20%/năm. Diện tích sử dụng đất cho phát triển công nghiệp là 2.664 ha, trong đó: khu kinh tế là 2.000 ha; khu và cụm công nghiệp là 664 ha.
Lnh vực dệt may của Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động ở Hải Lăng -Ảnh: H.N.K
Trên cơ sở đó, huyện Hải Lăng chú trọng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và huy động nguồn lực tập trung đầu tư phát triển CN-TTCN. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện và của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo sự phát triển đồng bộ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện.
Tranh thủ nguồn vốn khuyến công của tỉnh để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước, xử lý nước thải), phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ lấp đầy 3 CCN hiện có đạt 82%, đến năm 2030 đạt 100%. Triển khai lập các đề án đầu tư mở rộng CCN Hải Chánh, quy mô 75 ha; di dời CCN Diên Sanh. Thành lập mới CCN: Hải Trường, Thượng Lâm và Diên Sanh 2. Sớm triển khai lập quy hoạch đầu tư Khu phức hợp đô thị-công nghiệp-TMDV-du lịch khu vực ngã 5 Thượng-Hưng (Vico) quy mô khoảng 400 ha.
Tập trung thực hiện tốt công tác GPMB các dự án động lực của tỉnh trên địa bàn huyện Hải Lăng, phối hợp hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn 1), dự án cảng Mỹ Thủy (giai đoạn 1) theo tiến độ chủ trương đã được phê duyệt, triển khai phương án GPMB giai đoạn 2 (175,42 ha), giai đoạn 3 (208,38 ha) và các dự án trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, gắn với các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.
Đôn đốc nhà đầu tư triển khai các dự án đảm bảo đúng tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, sớm vận hành đi vào hoạt động theo cam kết để tạo ra giá trị sản phẩm công nghiệp, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp đúng cơ cấu và tốc độ phát triển theo mục tiêu đề ra.
Trong đó, phát triển công nghiệp đa ngành nhưng phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích kết hợp với chức năng dịch vụ và đô thị, tạo điều kiện khai thác sử dụng quỹ đất hiệu quả, linh hoạt và hài hòa. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: điện khí, chế biến gỗ, công nghiệp cơ khí, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp silicat, chế biến nông, lâm, thủy sản.
Phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, điện tử, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Quảng Trị. Hình thành các cơ sở đầu mối cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN của huyện. Khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở sản xuất CN-TTCN đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, áp dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến vào sản xuất.
Tiếp tục khuyến khích phát triển các nghề truyền thống đạt tiêu chí làng nghề nông thôn, kết hợp với Chương trình OCOP, đẩy mạnh ứng dụng, giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Xây dựng bộ tư liệu, thông tin về TTCN-làng nghề trên địa bàn huyện Hải Lăng làm cơ sở quảng bá, phát triển du lịch làng nghề.
Tổ chức tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Lăng đến năm 2040, định hướng đến năm 2050, đảm bảo tính kết nối quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành quy hoạch các khu đô thị-dịch vụ công nghiệp xung quanh dự án Khu công nghiệp Quảng Trị; quy hoạch các điểm thương mại-dịch vụ tại các xã: Hải Dương, Hải Quế, Hải Ba, Hải Hưng, Hải Định, Hải Phong, Hải Thượng.
Tập trung nguồn lực đầu tư các các dự án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung. Hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp III. Quy hoạch xây dựng 26 tuyến đường huyện đảm bảo kết nối các khu vực chức năng trong huyện với hệ thống đường tỉnh, quốc lộ và cao tốc. Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước sạch phía Nam của tỉnh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân và các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Bí thư Huyện ủy Hải Lăng Nguyễn Khánh Vũ cho biết: “Về định hướng và các cơ chế, chính sách phát triển huyện Hải Lăng trở thành huyện trọng điểm về công nghiệp được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đảm bảo có sự kết nối chặt chẽ với các khu vực lân cận.
Tập trung khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là về đất đai, vị trí địa lý; tranh thủ thời cơ, cơ hội đầu tư của các dự án động lực tại địa bàn và chính sách đặc thù của tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để tạo sự bứt phá trong đầu tư, phát triển. Mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất trong những năm tới là xây dựng huyện Hải Lăng phát triển nhanh nhưng đảm bảo tính bền vững, hài hòa có bản sắc riêng.
Muốn vậy, phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, tư duy, sáng tạo và hiệu quả trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phù hợp với điều kiện kinh tế từng giai đoạn và tầm nhìn khu vực. Có như vậy, Hải Lăng mới hội đủ các điều kiện, tiềm năng và nguồn lực trở thành huyện trọng điểm kinh tế ở phía Nam của tỉnh Quảng Trị”.
Hồ Nguyên Kha
Nguồn: https://baoquangtri.vn/hai-lang-nua-the-ky-dung-xay-va-khat-vong-phat-trien-bai-2-hien-thuc-hoa-tam-nhin-tro-thanh-vung-kinh-te-dong-luc-phia-nam-cua-tinh-191769.htm
Bình luận (0)