Xác định công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, thời gian qua, huyện Hải Hậu đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, gia đình chính sách.
Lãnh đạo huyện Hải Hậu thăm, tặng quà ông Phạm Ngọc Chi, xã Hải Giang, là nạn nhân chất độc da cam. |
Đồng chí Nguyễn Thủy Triều, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hải Hậu cho biết: Trải qua các cuộc kháng chiến, trên địa bàn huyện có 4.706 liệt sĩ, 400 mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện còn 6 mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống), 2.700 thương, bệnh binh đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, huyện Hải Hậu đã nỗ lực cố gắng thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chăm lo thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Hàng năm, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quản lý Nhà nước về chính sách xã hội, nhất là thực hiện Pháp lệnh Người có công và các chính sách về công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”. Do vậy, việc thực hiện các chính sách đối với người có công luôn được quan tâm đầy đủ, kịp thời. Các hoạt động chăm lo cho người có công được triển khai thường xuyên với nhiều hoạt động như: hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng… Hàng tháng, huyện đã thực hiện chi trả chế độ cho trên 5.500 lượt người có công với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Đặc biệt, vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7), các ngày lễ lớn của đất nước, huyện đều tổ chức rà soát, lập danh sách đối tượng người có công bảo đảm chuyển quà đúng, đủ, kịp thời đến các đối tượng. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như: Viếng nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, động viên các thương, bệnh binh, gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn… Trong năm 2022, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng 129 suất quà, trị giá gần 40 triệu đồng và hàng nghìn suất quà của Chủ tịch nước, của tỉnh… trao tặng cho người có công và gia đình người có công trên địa bàn huyện.
Lãnh đạo huyện Hải Hậu thăm hỏi, tặng quà động viên ông Nguyễn Thanh Bình, xã Hải Giang, là thương binh tỷ lệ 42%, bị nhiễm chất độc da cam 60%. |
Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ được cấp uỷ, chính quyền các địa phương cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hàng năm. Huyện có 33 nghĩa trang liệt sĩ xã, thị trấn và 1 đền thờ liệt sĩ cấp huyện. Trong năm 2022, từ nguồn của Trung ương đã hỗ trợ cải tạo, nâng cấp 8 nghĩa trang liệt sĩ với số tiền 3,6 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh hỗ trợ xây mới 3 nhà, sửa chữa 9 nhà ở cho người có công với số tiền 600 triệu đồng; từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện hỗ trợ nâng cấp 4 nghĩa trang liệt sĩ với số tiền 280 triệu đồng. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào đền ơn, đáp nghĩa luôn được chú trọng và đạt được những kết quả tích cực. MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, các đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa như: Đoàn Thanh niên với công tác chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ; Hội Cựu chiến binh tổ chức các buổi tọa đàm, kể chuyện, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ… Bên cạnh đó, xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, góp phần đáp ứng nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ, thời gian qua, Ban chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ huyện Hải Hậu rà soát, hoàn thiện trên 4.000 hồ sơ liệt sĩ báo cáo về Bộ CHQS tỉnh; trích lục, xác nhận thông tin cho 465 trường hợp; hướng dẫn trên 150 lượt thân nhân gia đình liệt sĩ làm thủ tục đi tìm kiếm, cất bốc, di chuyển hài cốt theo đúng thủ tục; tạo điều kiện thuận lợi, tư vấn, hỗ trợ gia đình liệt sĩ đi tìm kiếm, di chuyển hài cốt liệt sĩ hy sinh trên địa bàn huyện theo đúng quy định của Nhà nước. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã tiếp nhận hơn 100 hài cốt liệt sĩ; tổ chức đón nhận và an táng đúng quy định, đảm bảo trang trọng và đúng nghi lễ.
Với sự quan tâm của chính quyền địa phương nên nhiều gia đình chính sách đã được tiếp cận và vay vốn ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để tăng gia sản xuất. Nhiều thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công đã phát huy truyền thống cách mạng, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương. Tiêu biểu như các ông: Nguyễn Đức Mạnh, thương binh hạng 4/4, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Châu, ở thị trấn Cồn kinh doanh thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản; ông Phạm Đình Phúc, bệnh binh 62%, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi xóm Xuân Hà, xã Hải Hòa; ông Đoàn Văn Dân, thương binh 31%, chủ doanh nghiệp tư nhân kéo sợi PE ở thị trấn Thịnh Long đi đầu trong nhập máy kéo sợi về sản xuất sợi PE cung cấp cho các hộ gia công trong thị trấn.
Trong thời gian tới, để triển khai giải quyết và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, huyện Hải Hậu tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực ưu đãi người có công; tiếp tục phát động sâu rộng phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc người có công, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Giải quyết những tồn đọng trong thực hiện chính sách, xử lý kịp thời những sai phạm để chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách. Thông qua những hoạt động thiết thực trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, tiếp tục giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tiếp bước cha anh phấn đấu, cống hiến sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương Hải Hậu ngày càng phát triển bền vững./.
Thanh Hoa
Ảnh: Do cơ sở cung cấp