Ngày 11/12, ông Trần Hữu Thuỳ Giang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định đưa nghề thủ công truyền thống làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Song song với quyết định trên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng ký quyết định đưa lễ hội truyền thống điện Huệ Nam (xã Hương Thọ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào danh mục si sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trong phạm vi và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.
Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan tới di sản được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia chịu trách nhiệm thi hành quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL.
Cách đây không lâu, 23/23 nước tham gia Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tổ chức tại Mông Cổ cũng bỏ phiếu đồng ý đưa những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh Huế được ghi danh vào Danh mục Ký ức thế giới.
Được biết, Cửu đỉnh trong Hoàng cung Huế do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu, mục đích nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề trên Cửu đỉnh chứa đựng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau. Điều này đưa Cửu đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia.
Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Đặc biệt là đề cao thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, mà hình ảnh kênh Vĩnh Tế trên Cao đỉnh là một minh chứng rõ nét.
Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.
Nguồn: https://vtcnews.vn/hai-di-san-o-hue-duoc-dua-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-ar912938.html
Bình luận (0)