Cố gắng cứu thỏa thuận ngũ cốc
Các nguồn tin của Reuters ngày 1.6 cho biết LHQ đang nỗ lực cứu thỏa thuận giữa Nga và Ukraine, trong đó cho phép phía Kyiv chuyển ngũ cốc qua các cảng ở Biển Đen với đề xuất “đôi bên cùng có lợi”. Bước đầu trong kế hoạch này là LHQ đề xuất Nga – Ukraine và bên trung gian là Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị cho việc vận chuyển amoniac của Nga qua lãnh thổ Ukraine. LHQ cũng kêu gọi các bên nêu đề xuất để “cải thiện triệt để” hoạt động của hành lang ngũ cốc.
Nguồn tin cho biết thông qua bước đi này, LHQ muốn đổi lại các cuộc đàm phán về việc mở rộng thỏa thuận Biển Đen nhằm nâng số cảng mà Ukraine có thể sử dụng, cũng như số loại hàng hóa được vận chuyển. Kyiv và Ankara đã đồng ý với đề xuất mới, trong khi Moscow vẫn chưa phản hồi.
Trong tháng này, Nga đã đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 2 tháng nhưng cho biết sáng kiến này sẽ chấm dứt nếu phương Tây không dỡ bỏ trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Moscow cũng kêu gọi các bên bỏ lệnh cấm vận chuyển amoniac qua cảng Pivdennyi của Ukraine.
Khi được hỏi về thông tin trên, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho biết việc đàm phán vẫn đang tiếp tục. Ukraine cho biết các công nhân sẽ cần khoảng 30 ngày để chuẩn bị đường ống bơm amoniac trở lại. Một nguồn tin cho biết Kyiv sẽ cân nhắc cho phép amoniac của Nga quá cảnh qua Ukraine, nếu Moscow mở rộng thỏa thuận ngũ cốc.
Mỹ gửi thêm viện trợ cho Ukraine
Trong lúc đó, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 31.5 công bố gói vũ khí mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không Patriot và Avenger, các tên lửa Aim-7 và Stinger, cũng như 30 triệu viên đạn cùng nhiều khí tài quân sự khác, theo tờ The Guardian.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington đã đặt ra các quy tắc cơ bản đối với Kyiv, trong đó Ukraine không được dùng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga. Theo ông Kirby, Ukraine đã cam kết việc này với Mỹ.
Tuy nhiên, cùng ngày, hãng TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói các cam kết của Washington “không có giá trị”. Theo ông Antonov, gói hỗ trợ quân sự mới của Mỹ đang thể hiện sự thờ ơ của nước này trước hành động của Ukraine.
Thời gian gần đây, Nga liên tục báo cáo các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ nước này, trong đó nổi bật nhất là các cuộc không kích bằng máy bay không người lái ở thủ đô Moscow và tỉnh giáp biên giới 2 nước.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã đẩy lùi 3 cuộc tấn công xuyên biên giới gần thị trấn Shebekino thuộc tỉnh Belgorod của Nga trong ngày 1.6. TASS dẫn lời ông Vyacheslav Gladkov, Tỉnh trưởng Belgorod, hôm qua cho biết số người bị thương trong các cuộc tấn công gần đây ở Shebekino đã tăng lên 8. Kyiv chưa bình luận nhưng trước đó không nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Cùng ngày 1.6, Không quân Ukraine tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ tất cả 10 tên lửa đạn đạo và hành trình được phóng từ tỉnh Bryansk của Nga trong cuộc tấn công thứ 18 nhắm vào thủ đô Kyiv kể từ đầu tháng 5, theo Reuters. Phía Moscow chưa bình luận thông tin này.
Nga bác cáo buộc nhận vũ khí từ Nam Phi
TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 31.5 bác bỏ cáo buộc của ông Reuben Brigety, Đại sứ Mỹ tại Pretoria, rằng Nam Phi đã chuyển vũ khí cho Nga. Theo ông Lavrov, Nam Phi và Nga đều là các quốc gia có chủ quyền và hợp tác song phương “tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế”. Ông nói rằng Nga “không bao giờ vi phạm các quy tắc quốc tế” liên quan việc cung cấp vũ khí, trong khi phương Tây đã và đang gửi vũ khí cho Ukraine.