Cuối chiều 27.5, tại phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn được mời dự và phát biểu ý kiến sau phần thảo luận của các thành viên ủy ban liên quan đến kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
“Cần nhìn tác động của đại dịch sâu đậm hơn”
Phát biểu tại phiên họp lần này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhiều lần nhắc đến từ “cảm ơn” và cho rằng cá nhân ông đánh giá rất cao tinh thần làm việc của các đoàn giám sát về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thời gian qua.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT chia sẻ: “Với đối tượng được giám sát thì thường chỉ mong là các đồng chí đi càng nhanh càng tốt, lướt qua càng mau càng hay. Thế nhưng với ngành GD-ĐT, chúng tôi chỉ mong làm sao các đồng chí đi được nhiều, lắng nghe được nhiều. Đến với giáo viên, đến với các em học sinh, lắng nghe cuộc sống, hơi thở của trường học chứ không phải chỉ mang một vài ấn tượng có sẵn để mà giám sát.
Điều mà tôi thấy là các đồng chí giám sát rất sâu sắc, hỏi giáo viên rất kỹ… Tôi thấy rất cảm động khi các đồng chí giám sát có chiều sâu, các trao đổi rất khách quan. Còn câu chuyện phía trước là báo cáo giám sát trình Quốc hội, tôi tin chắc chắn rằng quá trình giám sát bằng cách thâm nhập thực tế, lắng nghe ý kiến như vậy thì báo cáo giám sát sẽ sát hợp nhất với thực tế và mở đường tiếp tục cho con đường đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong thời gian tới”.
Tiếp cận dự thảo báo cáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ mong muốn báo cáo cần nhìn tác động của đại dịch Covid-19 sâu đậm hơn bởi “chúng ta rất dễ quên nó hơi nhanh với tất cả ảnh hưởng của nó”.
Ông Kim Sơn nhắc lại, sau khi ký xong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì toàn ngành giáo dục đã bắt đầu “đánh vật” với dịch bệnh. Điều này khiến giáo viên và những người triển khai chương trình mới phải cố gắng gấp vài ba lần.
Tức là, trong khi vừa cố gắng duy trì hoạt động giáo dục không bị vỡ nát, không bị đứt đoạn, không bị khủng hoảng, vừa phải đổi mới căn bản, toàn diện, sâu sắc, triệt để, đáp ứng một kỳ vọng lớn gấp nhiều lần cái mà ngành GD-ĐT đang có. Trong bối cảnh nguồn lực của cả nước phân tán vì chống dịch; quỹ thời gian, sự vào cuộc của địa phương và phụ huynh cũng ảnh hưởng… Tất cả tạo ra một thách thức rất lớn cho công cuộc đổi mới.
“Đến khi dịch bệnh qua, nhìn lại thấy rằng nếu nguồn lực quốc gia tập trung đầu tư một cách mạnh mẽ thì chắc chắn sẽ tạo đà tốt hơn cho sự đổi mới thời điểm vừa qua”, ông Sơn nhìn nhận.
Tăng phụ cấp ưu đãi, sửa nghị định đặt hàng đào tạo giáo viên
Ông Sơn cho biết, thời điểm này, ngành GD-ĐT đang tập trung cho việc đánh giá sau 3 năm “thay sách”, đặc biệt là lớp 10, lớp đầu tiên của cấp THPT sau năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Đây cũng là thời điểm ngành GD-ĐT đang làm rất nhiều việc với vai trò là đầu mối chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Chỉ ra một loạt công việc mà ngành GD-ĐT đang phải làm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng “kể khổ” một chút để mong muốn các đại biểu Quốc hội đã và tiếp tục chia sẻ với ngành.
Xung quanh những lo lắng của đại biểu Quốc hội về tiến độ thực hiện Nghị định 116 về đặt hàng giáo viên, theo “tư lệnh” ngành GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đang gấp rút thực hiện những công việc để xây dựng Nghị định 116 sửa đổi càng nhanh càng tốt, có thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo giáo viên khi có nhiều bất cập trong đặt hàng đào tạo hiện nay.
Đáng chú ý, về chính sách phụ cấp ưu đãi với giáo viên, ông Sơn thông tin: “Tại phiên họp Quốc hội lần trước, chính Bộ GD-ĐT đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Ngay sau kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Bộ GD-ĐT cũng nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và 2 bộ đã thống nhất, trình lên Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non và tiểu học. Cụ thể, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non là 10% và giáo viên tiểu học là 5%.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính cho ý kiến trước khi có các bước tiếp theo. “Ngày 12.5 vừa qua, tôi đã gửi văn bản chính thức sang Bộ Tài chính và hy vọng việc này sẽ được xử lý sớm. Mong đại biểu Quốc hội cũng ủng hộ trên diễn đàn Quốc hội để tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, đảm bảo số lượng người làm việc”, ông Sơn nói.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng bày tỏ mong muốn khi đại biểu thảo luận về sửa đổi luật Đất đai trong thời gian sắp tới sẽ quan tâm đến câu chuyện về đất cho giáo dục. Điều này sẽ mở đường cho xã hội hóa giáo dục, đây là câu chuyện sâu xa, gốc rễ để giải quyết cho nhiều việc khác.