Đại Việt sử lược là bộ sử cổ nhất của Việt Nam đề cập đến nguồn gốc của Hai Bà Trưng. Theo sách này, thời Việt Nam khi còn là Giao Chỉ, Hai Bà Trưng vốn chị em sinh đôi (sinh vào ngày mồng một tháng tám năm Giáp Tuất – năm thứ 14 sau công nguyên), chị tên Trưng Trắc, em tên Trưng Nhị.
Cha của Hai Bà Trưng mất sớm, hai chị em được mẹ là bà Man Thiện (cháu ngoại Hùng Vương) nuôi dạy khôn lớn. Hai Bà Trưng lớn lên đều văn võ song toàn, thương dân và ý chí khởi nghĩa quật cường.
Đây là hai nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Việt Nam khi cùng nhau khởi binh đánh đuổi quân Đông Hán, thành lập quốc gia đặt kinh đô tại Mê Linh. Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, người chị là Trưng Trắc tự phong nữ vương, được lịch sử ghi nhận là Trưng Nữ vương.
Dựa trên ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, Hai Bà Trưng thuộc dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh, nên họ của hai bà tạm gọi là Lạc.
Thời Văn Lang – Âu Lạc – Nam Việt, họ của vua và quý tộc thường đặt theo tên nước, tên tộc người. Hùng Vương, trong sử còn được ghi là Lạc Vương, cũng như các Lạc hầu, Lạc tướng có họ Lạc gốc từ tên Lạc Việt. Giống như Thục Phán có họ Thục bởi gốc là người nước Thục, hơn nữa còn là con cháu vua Thục. Triệu Đà có họ Triệu bởi là người đến từ nước Triệu.
Vấn đề Hai Bà Trưng mang họ gì từng tạo nên cơn sốt dư luận thời gian qua khi nhiều chuyên gia cho rằng, vào đầu công nguyên, Việt Nam vẫn chưa có họ. Các chuyên gia này đưa ra giả thuyết Hai Bà Trưng không có họ cụ thể.
Theo PGS.TS Phạm Quốc Sử, nguyên giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội từng phân tích: “Năm 40 đầu thế kỷ nước ta chưa đặt họ mà con cái theo dòng mẹ – dòng ngoại. Mới chỉ có thể xác định Hai Bà Trưng theo dòng vua Hùng”.
Lúc bấy giờ nước ta theo dòng vua Hùng, chế độ mẫu hệ vẫn được đề cao nên con cái thường theo dòng bên ngoại, còn dòng phụ hệ chưa rõ. Vì vậy có thể tạm coi Hai Bà Trưng mang họ Hùng.
Cũng theo ông Sử, Hai Bà Trưng vốn không phải tên là Trưng. Xưa kia từ Trưng vốn là từ “trứng” mà ra. Trưng Trắc, Trưng Nhị ý chỉ loại trứng tốt nhất và trứng tốt nhì. Theo sách ”Danh tướng Việt Nam” thì tên hai vị nữ vương này vốn là Trứng Chắc và Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Còn theo GS Nguyễn Khắc Thuần, người Việt nói chung, Hai Bà Trưng nói riêng khi đó chưa có họ. Mẹ hai bà được cho có tên là Trần Thị Đoan, thực chất đây là cái tên thần phả đặt sau này (vào khoảng thế kỷ 17, 18). Còn cái tên Man Thiện vốn chỉ ”người Man tốt”, có thể do người Hán gọi.
Còn tên của hai bà, có nguồn gốc từ nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, tương tự như cách đặt tên theo các loài cá của các vua nhà Trần sau này vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Xưa kia nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là “kén chắc”, tổ kén kém hơn gọi là “kén nhì”; trứng ngài tốt gọi là “trứng chắc”, trứng ngài kém hơn gọi là “trứng nhì”. Do đó, theo sách Danh tướng Việt Nam, tên hai bà vốn rất giản dị là Trứng Chắc và Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Kim Anh
Nguồn: https://vtcnews.vn/hai-ba-trung-mang-ho-gi-ar887309.html