12:32, 06/10/2023
BHG – Nằm cách trung tâm huyện Quang Bình 15 km về phía Đông Nam. Thị trấn Xuân Giang có diện tích tự nhiên trên 5.586 ha. Trong đó, đất rừng có 4.355 ha, chiếm trên 80% diện tích đất canh tác. Xuân Giang được ví như một “hòn ngọc xanh” giữa phố núi…
Bình yên Xuân Giang. |
Giữa Thu, Xuân Giang khoác lên mình chiếc áo ươm vàng. Mùi cốm mới lan trong làn sương mỏng. Thị trấn núi sau một năm lên đô thị Loại V đã có nhiều đổi thay về kinh tế, xã hội. Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Giang, Lý Văn Ba vui vẻ: Xuân Giang đã cơ bản hoàn tất công tác quy hoạch mở rộng thị trấn giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030. Diện tích quy hoạch đô thị lên tới 300 ha đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chẳng bao lâu nữa, Xuân Giang sẽ mở rộng các khu hành chính có quy mô hiện đại. Xây dựng khu dân cư đậm bản sắc rộng, xanh, sạch và tiện nghi. Xây dựng khu kinh tế, thương mại, dịch vụ tạo động lực thúc đẩy phát triển . Phấn đấu đến năm 2030, đưa Xuân Giang trở thành vùng động lực thu hút đầu tư. Đồng thời, biến Xuân Giang trở thành trung tâm chế biến, tiêu thụ hàng hóa nông, lâm sản. Hình thành các làng nghề: Mây tre đan, dệt thổ cẩm truyền thống, làm mắm cá… Đi đôi với phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ, hát Cọi, hát Then và các lễ hội truyền thống để thu hút, phát triển du lịch, dịch vụ. Tất cả các hoạt động từ sản xuất, kinh doanh, làng nghề kết nối lại thành một chuỗi hoạt động tuân thủ quy tắc “xanh”. Ngay trong năm 2023, Xuân Giang đã, đang xanh hóa giấc mơ ấy bằng hiện thực. Phát triển nông nghiệp tuần hoàn; phát triển kinh tế rừng đồi vừa để bán Tín chỉ Các bon, vừa gìn giữ nguồn sinh thủy, bảo vệ môi trường sống cho cả xã hội đang trên đà phát triển.
Ao nuôi cá đặc sản nằm xen giữa ruộng đồng. |
Đưa tôi vào thôn Quyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Giang, Hoàng Chung cho ngay: Xuân Giang năm nay đã có nguồn thu nửa tỷ đồng từ bán Tín chỉ Các bon rừng. Thôn Quyền được đánh giá là đi trước, đón đầu phát triển xanh. Thôn Quyền mùa này là một bức tranh thủy mặc khổng lồ đẹp đến mê hồn. Thiên nhiên trù mật, đồng ruộng vào mùa màu mỡ, làng quê xanh mát êm đềm. Hình thức phát triển kinh tế ở thôn được làm khép kín từ nhà ra đồng. Phụ phẩm từ rơm, rạ kết hợp với chất thải chăn nuôi ủ thành phân bón quay lại đồng ruộng. Người dân trong thôn tuân theo một quy tắc sản xuất quay vòng rất tiết kiệm và cũng rất hiệu quả về kinh tế lẫn môi trường. Lúa ngô có phân chuồng lên tốt bời bời, ít sâu bệnh, năng suất cao. Lợn, gà nuôi có gạo, ngô, đậu phối trộn đủ dinh dưỡng lớn từng ngày, bán lại được giá gấp nhiều lần so với lợn nuôi cám ăn thẳng. Cấy lúa, thả cá Chép ruộng thu được lúa tốt, gạo hữu cơ, có thêm mắm cá Chép chấm xôi nếp cái vừa đậm, vừa ngậy khó quên. Anh Chung cho biết thêm: Thị trấn đang hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ để bán Tín chỉ Các bon từ trồng ngô, cấy lúa. Mỗi năm, Xuân Giang cấy khoảng 500 ha lúa đặc sản; trồng khoảng 200 ha ngô theo phương pháp tuần hoàn hữu cơ, an toàn. Ngoài ra, các hộ trong thôn còn nuôi cá các loại đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Cả Xuân Giang hiện đang thâm canh trên 70 ha ao nuôi cá đặc sản: Bỗng, Chép, Chày mắt đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mắm cá Chép ruộng là sản phẩm OCOP đặc sắc của Xuân Giang. |
Mới đây, Xuân Giang vận động bà con thả cá Chép ruộng làm mắm cá Chép. Mắm cá Chép ướp bằng 13 – 16 loại lá, cỏ, củ, các loài thảo dược rồi được ủ chín bằng rượu nếp cái. Chị Hoàng Thị Vén, người được mệnh danh là Vua mắm cá Chép cho biết: Mỗi năm gia đình chị ủ mắm cá bán cả tấn cho người tiêu dùng. Thế người Xuân Giang mới có câu: Rượu uống thì Tương, mắm ăn, thì Vén nổi danh cả vùng. Sau một năm trở thành thị trấn và cơ cấu lại sản xuất, Xuân Giang đã đạt được nhiều tiến triển đáng ghi nhận. Kinh tế tăng trưởng kéo theo thu nhập của người dân tăng từ 52 triệu đồng/người/năm 2022 lên 58 triệu đồng/người/năm 2023. Nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải đã hình thành rõ nét. Hạ tầng được xây dựng khá hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Giang, Lý Văn Ba cho biết: Thị trấn đã quy hoạch thôn Quyền, Trang, Then chuyên về lúa + cá; thôn Kiêu chuyên lúa + rau, củ, quả; thôn Tịnh chuyên trồng rừng, lấy gỗ phục vụ chế biến và bán Tín chỉ Các bon; còn Bản Tát nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ và khoanh nuôi, phục hồi rừng đầu nguồn tạo nguồn sinh thủy để nông nghiệp phát triển bền vững. Còn thôn Mới, dành riêng cho phát triển dịch vụ, thương mại trao đổi hàng hóa trong vùng. Mục tiêu phát triển Xuân Giang đến năm 2023 theo xu hướng: Ăn truyền thống – Sống tiện nghi, hiện đại để khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và hạnh phúc.
Sau gần một buổi tham quan, vãn cảnh Xuân Giang tôi trở vào chân núi thôn Chì. Thôn văn hóa cộng đồng sẽ đón bạn nghỉ dưỡng trên những ngôi nhà sàn truyền thống. Tại đây, có hương thơm đồng nội, núi rừng, có rượu men lá để say, có tiếng hát Cọi của những nàng thôn nữ và có thể tự tay bạn học gẩy đàn Tính khám phá nét duyên quê…
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng