12:02, 10/12/2023
BHG – Sau gần 13 năm xây dựng và phát triển Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC CNĐ ĐV), CVĐC của tỉnh đã thành công vượt qua 3 lần đánh giá của Mạng lưới CVĐCTC. Bước sang giai đoạn tiếp theo đòi hỏi chúng ta cần có những chiến lược lâu dài hơn, quan tâm đến nhiều yếu tố hơn để đảm bảo CVĐCTC phát triển bền vững, cùng với sự phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Hiện nay, CVĐCTC CNĐ ĐV đang là điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Theo thống kê của ngành Du lịch, năm 2023 đánh dấu mốc 3 triệu lượt khách du lịch đến Hà Giang. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, diện mạo của CVĐC đã có sự đổi thay rõ rệt; hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường ổn định, góp phần đưa du lịch CNĐ ĐV trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, mở ra hướng phát triển bền vững dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, các di sản độc đáo về địa chất… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại công tác bảo tồn và phát triển CVĐC còn những hạn chế như tình trạng xâm hại di sản, khai thác đá trái phép, xây dựng các công trình dự án, nhà ở dân dụng… vi phạm các quy hoạch phát triển vùng; tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm hại di sản cần được các cấp, ngành, địa phương và người dân quan tâm và có những biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Dịch vụ du lịch cho hoạt động phát triển du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, sản phẩm hàng lưu niệm du lịch chưa phong phú, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch – dịch vụ.
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Các chuyên gia Mạng lưới CVĐCTC đã có các khuyến nghị với tỉnh qua những lần kiểm tra thực tế như CNĐ ĐV là khu vực đa dạng về các dân tộc nhất trên thế giới, do đó cần có giải pháp thúc đẩy sự chung tay của cộng đồng các dân tộc trong phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên vùng CVĐC. Cần bổ sung nhân lực về các lĩnh vực địa chất, sinh học, marketing và giáo dục cộng đồng cho Ban quản lý CVĐC để triển khai các nhiệm vụ đồng đều và toàn diện. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các huyện, các ngành để đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo tồn và phát triển CVĐC. Phân chia rõ ràng trách nhiệm của các huyện trong việc bảo tồn phát triển CVĐC, tuy nhiên cần tạo sự đồng bộ và thống nhất trong quá trình thực hiện các nội dung, nhiệm vụ giữa các huyện. Bố trí, sắp xếp lại hệ thống trưng bày Bảo tàng CVĐC đảm bảo tính chính xác về khoa học, thẩm mỹ và logic giữa các hiện vật. Đồng thời phải bổ sung đội ngũ cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực bảo tàng để phát huy công tác quản lý và vận hành bảo tàng đảm bảo hiệu quả, phát huy được vai trò cung cấp thông tin và quảng bá hình ảnh cho du khách cũng như các nhà nghiên cứu khoa học. Phát triển hài hòa giữa các giá trị di sản tự nhiên và di sản văn hóa. Tiếp tục quảng bá rộng rãi các giá trị di sản đặc sắc của CVĐCTC CNĐ ĐV đến các thị trường trong nước và quốc tế. Cần có phương án tự chủ tài chính để có nguồn thu bền vững từ du lịch nhằm chủ động trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên khu vực CVĐC.
Để phát triển CVĐC một cách lâu dài, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển CVĐCTC CNĐ ĐV giai đoạn 2023-2027. Trong đó chủ động đến việc đảm bảo thúc đẩy phát triển bền vững tạo tiền đề xây dựng Khu du lịch quốc gia – CVĐC và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và khuyến nghị của UNESCO trong các kỳ tái đánh giá. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống tinh thần của người dân địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần bảo tồn các giá trị di sản trên vùng CVĐC. Nâng cao chất lượng du lịch vùng CVĐC và đảm bảo theo các tiêu chí bền vững, xanh, thân thiện với môi trường và tự nhiên. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của toàn vùng.
Trong đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể, có tính logic theo lộ trình được xây dựng và triển khai dưới sự tư vấn của nhóm chuyên gia. Gồm tổ chức bộ máy quản lý; nguồn nhân lực quản lý, vận hành CVĐC; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; công tác phát triển du lịch, công tác quản lý, vận hành các điểm di sản, tuyến đường du lịch trải nghiệm, đầu tư cơ sở hạ tầng; công tác giáo dục cộng đồng, ứng phó biến đổi khí hậu, hoạt động truyền thông, quảng bá; hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động mạng lưới… Qua đó, góp phần thực hiện thành công kỳ tái đánh giá năm 2026 và tiếp tục giữ vững danh hiệu CVĐCTC UNESCO giai đoạn 2026 – 2030.
Bài, ảnh: LÊ HẢI