15:20, 03/08/2023
BHG – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh (ĐTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo đã trở thành một trọng tâm cải cách, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền tỉnh. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, thu hút đầu tư và thực hiện hiệu quả phương châm: “DN phát tài – Hà Giang phát triển”.
Để cải thiện môi trường ĐTKD, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), tái cấu trúc quy trình TTHC, tạo lập dữ liệu điện tử, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; thực hiện tốt việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông để rút ngắn thời gian, chi phí cho DN và nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục gia nhập thị trường, khởi sự kinh doanh, thủ tục đầu tư, xây dựng. Hiện nay, trong tổng số 1.977 TTHC có hiệu lực áp dụng trên địa bàn tỉnh thì 275 TTHC được đơn giản hóa rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định, 1.759 TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa, 557 TTHC xây dựng quy trình liên thông giải quyết TTHC; trong đó, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN được rút ngắn tối đa còn 1 ngày làm việc, giảm 2 ngày so với quy định của Luật DN (3 ngày làm việc). Không những vậy, toàn tỉnh có 1.837 dịch vụ công (DVC)/1.894 TTHC cung cấp DVC trực tuyến, đạt tỷ lệ 96,99%. Đến nay, tỉnh ta đã triển khai thanh toán trực tuyến phí/lệ phí trên Cổng DVC của tỉnh cho hơn 500 DVC trực tuyến; hoàn thành kết nối kỹ thuật cung cấp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân trên Cổng DVC Quốc gia, góp phần tạo nên sự công khai, minh bạch trong thực hiện các giao dịch hành chính.
Sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh từng bước chinh phục khách hàng. |
Cùng với kết quả trên, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa được cạnh tranh bình đẳng, công bằng. Trong đó, ưu tiên giúp đỡ DN và các thành phần kinh tế giải quyết khó khăn, tiếp cận đất đai, công khai các quy định về chính sách ưu đãi đầu tư để các thành phần kinh tế dễ dàng tiếp cận, lựa chọn địa bàn, ngành nghề đầu tư có lợi nhất; triệt tiêu tình trạng ưu ái, trao đặc quyền về tiếp cận đất đai, tín dụng, khai thác khoáng sản, nhận các hợp đồng từ Nhà nước cho tổng công ty, tập đoàn, DN của Nhà nước gây khó khăn cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh ta đã thực hiện thẩm định nhu cầu sử dụng đất đối với 23 dự án; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất đối với 17 hồ sơ, dự án với tổng diện tích gần 230 ha; tiếp nhận giải quyết 18 hồ sơ đề nghị chấp thuận cho nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư. Đi liền với đó, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra sử dụng đất của các tổ chức; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà DN của một bộ phận cán bộ, công chức. Qua 8 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, các đoàn kiểm tra của tỉnh đã phát hiện sai phạm thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân sách và lĩnh vực đất đai với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng và gần 2.500 m2 đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 9,9 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác trên 1,1 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, thẩm quyền, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 98 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 455,5 tỷ đồng, nâng tổng số DN toàn tỉnh lên 3.706 DN với tổng vốn đăng ký gần 36.200 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn, hỗ trợ 5 nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư; 15 nhà đầu tư thực hiện thủ tục ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án với tổng số tiền trên 7,7 tỷ đồng; 22 dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, 2 dự án đã khởi công gồm: Dự án Khu nghĩ dưỡng P’apiu Lũng Hồ, tại xã Lũng Hồ (Yên Minh) và Khách sạn Tây Bắc, tại phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang). Ngoài ra, tỉnh ta đã đấu thầu, lựa chọn thành công 1 dự án Khu đô thị mới Cao Nguyên Đá tại huyện Mèo Vạc; nghiệm thu và bàn giao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 22000 cho 4 DN; tiếp nhận 11 hồ sơ dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia…
Không những vậy, nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, tỉnh ta tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế theo quy định của Quốc hội và Chính phủ cho DN với tổng số tiền 108,7 tỷ đồng; thực hiện khoanh nợ 6,7 tỷ đồng cho 60 người nộp thuế. Đồng thời, khuyến khích các chủ thể OCOP chủ động cập nhật, hoàn thiện sản phẩm đã được công nhận để tham gia đánh giá, nâng hạng sao năm 2023. Hiện, 11 huyện, thành phố đăng ký 130 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP gồm: 81 sản phẩm phát triển mới và 49 sản phẩm đánh giá lại. Cùng với đó, UBND tỉnh còn ban hành kế hoạch để triển khai đồng bộ, chất lượng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh nhằm hướng tới mục tiêu 100% quy định của pháp luật về DN, quyền và nghĩa vụ của DN được thông tin kịp thời, đầy đủ đến DN. Đồng thời, triển khai xây dựng các nội dung thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trọng tâm là hỗ trợ DN chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Nếu như năm 2015, khi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bắt đầu xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì tỉnh ta xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố. Nhưng đến năm 2022 (theo công bố của VCCI hồi tháng 4 vừa qua) ghi nhận PCI của tỉnh có bước tiến vượt bậc, vươn lên vị trí thứ 41/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 7/10 chỉ số thành phần (CSTP) tăng điểm như: Chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chi phí thời gian; tính minh bạch; tiếp cận đất đai với vị trí xếp hạng từ 24 – 36/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này tiếp tục là minh chứng quan trọng cho thấy quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc nỗ lực cải thiện môi trường ĐTKD. Hiện, tỉnh ta tiếp tục thực hiện kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PCI; trong đó, duy trì, nâng cao nhóm 7 CSTP tăng điểm, khắc phục và cải thiện nhóm 3 CSTP giảm điểm. Trên cơ sở đó, quyết liệt cải cách hành chính nhằm xây dựng môi trường ĐTKD thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo điều kiện và động lực thu hút đầu tư, phát triển DN, tạo đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG