09:53, 04/12/2023
BHG – Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt tập trung triển khai Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, từ đó tạo cho người dân những thay đổi bước đầu về tư duy và hướng đi trong phát triển kinh tế.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại lợi ích kép, vừa đảm bảo đầu ra, vừa tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhận thấy lợi thế về địa hình của một số thôn ở xã Minh Tân và Phong Quang (Vị Xuyên) rất phù hợp với nhiều loài cây dược liệu, Công ty TNHH Tuệ Minh đang triển khai thí điểm mô hình trồng hoa Cúc chi tại đây. Hoa Cúc chi được dùng để sấy khô làm dược liệu, cây có ưu điểm dễ trồng, chăm sóc và thu hái, thích ứng rộng; sau 3 tháng trồng cây bắt đầu ra hoa và cho thu hoạch. Trong điều kiện phát triển tốt, năng suất hoa thu được ước đạt từ 13 tấn hoa tươi/1 ha, sau khi trừ các khoản đầu tư, có thể thu hàng chục triệu đồng/1 ha. Hiện, dự án trong giai đoạn đầu đã tạo việc làm cho 50 lao động, mức thu nhập mỗi ngày từ 200 – 300 nghìn đồng. Công ty TNHH Tuệ Minh đang hướng tới mở rộng quy mô dự án theo mô hình liên kết sản xuất cây hoa Cúc chi mở ra hướng đi mới trong sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị cho nhân dân 2 xã Minh Tân và Phong Quang.
Vườn trồng hoa Cúc chi của Công ty TNHH Tuệ Minh tại xã Minh Tân (Vị Xuyên). |
Bà Nguyễn Thị Sơn, đại diện Công ty TNHH Tuệ Minh, chia sẻ: “Thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, công ty chúng tôi đã triển khai trồng hơn 11 ha hoa Cúc chi tại xã Minh Tân và Phong Quang. Theo đó chúng tôi thuê đất của người dân và thuê lao động tại địa phương để chăm sóc và thu hái hoa. Sau khi hoa được thu hái sẽ chuyển về sấy khô làm dược liệu bán cho các cơ sở kinh doanh dược liệu. Nhờ liên kết trong sản xuất như vậy chúng tôi đảm bảo được đầu ra của sản phẩm và tạo được việc làm cho lao động địa phương”.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Xuyên, Nguyễn Thị Hương cho biết: Để thu hút các nhà đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện tiến hành khảo sát, đánh giá thực chất điều kiện tự nhiên và khả năng phát triển cây trồng, vật nuôi theo lợi thế của từng xã. Qua đó, hình thành các tiểu vùng có điều kiện khí hậu khác nhau và tiềm năng phát triển từng cây, con, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai các dự án theo chuỗi liên kết.
Điển hình như Dự án trồng dưa chuột tại thôn Dìn Sán, xã Quyết Tiến (Quản Bạ), có 13 hộ tham gia với quy mô 5,05 ha. Theo đó, các hộ được hỗ trợ 100% giá giống, phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ tham gia dự án đối ứng bằng đất sản xuất, công lao động, phân chuồng và các điều kiện cần thiết đề sản xuất đạt hiệu quả. Sau hơn 3 tháng trồng dưa chuột giống G7 cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, sản phẩm dưa chuột đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Các hộ đã thu được 202 tấn dưa chuột trên diện tích 5,05 ha, giá bán bình quân 5 triệu đồng/tấn. Anh Phùng Khái Phú là một hộ tham gia dự án chia sẻ: “Sau khi được xã tuyên truyền, vận động về tham gia dự án trồng dưa, nhà tôi đã đăng ký trồng 0,5 ha dưa chuột. Sau hơn 3 tháng chăm sóc cây dưa đã cho ra quả và thu về số tiền lãi là 84 triệu đồng/vụ. Tham gia chuỗi liên kết sản xuất chúng tôi rất yên tâm vì được hỗ trợ giống, phân bón, được hướng dẫn về kỹ thuật trồng dưa và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”.
Sau thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giúp người dân, HTX thay đổi tư duy sản xuất, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn, áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát huy được tiềm năng về đất đai, lao động của địa phương. Do đó cần các cấp, ngành có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo được tính bền vững của các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: LÊ HẢI