15:14, 07/09/2023
BHG – Tôi trở lại vùng trồng cây Cao su của tỉnh Hà Giang giữa mùa thu hoạch mủ. Sau gần 4 năm, kể từ khi lứa Cao su trồng đầu tiên cho khai thác mủ (năm 2019) đã có những niềm vui mới.
Công nhân thu hoạch mủ Cao su trồng tại xã Yên Hà (Quang Bình). |
Cây Cao su đưa vào trồng lại ở Hà Giang năm 2009 tại 3 huyện là Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên, diện tích 1.537 ha. Đến năm 2019, lứa Cao su đầu tiên đã bắt đầu cho khai thác mủ. Cao su trồng tại Hà Giang đã cho khai thác mủ sớm hơn so với quy trình kỹ thuật là 2 năm. Tuy khai thác sớm hơn, nhưng sản lượng mủ và chất lượng mủ Cao su trồng tại Hà Giang không hề thua kém Cao su trồng trong nước thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam quản lý. Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang, Đỗ Anh Minh cho biết: Sản lượng mủ khai thác Cao su đang tăng đều theo hàng năm. Năm 2022, Công ty khai thác được trên 500 tấn mủ; năm nay, Tập đoàn Cao su Việt Nam giao chỉ tiêu khai thác trên 800 tấn mủ. Đến trung tuần tháng 8, sản lượng mủ đã khai thác đạt gần 600 tấn. Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang hiện nay đang tạo công ăn, việc làm cho 220 lao động trong tỉnh. Toàn bộ số lao động làm việc trong Công ty đều được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ. Mức thu nhập bình quân của người lao động dao động từ 5 – 6,5 triệu đồng/người/tháng. Những tháng cuối năm cây cho sản lượng mủ cao hơn, công nhân cạo mủ có tháng thu nhập lên tới trên 20 – 22 triệu đồng/người/tháng.
Công nhân cạo mủ Cao su trồng ở thôn Tân Điền, xã Kim Ngọc (Bắc Quang). |
Trở lại thôn Tân Điền, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) giữa mùa Thu hoạch mủ Cao su. Bắt tay tôi, anh Nguyễn Văn Thụ, Đội trưởng vui ra mặt: Thoáng thế đã qua 14 năm gắn bó với cây Cao su trong thôn. Em chỉ còn 6 năm nữa là có lương hưu rồi đấy anh nhé; thu nhập bình quân trong mùa cạo mủ của cả đội dao động từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng. Những tháng cao điểm cây cho mủ nhiều, thu nhập của người cạo lên tới 15 – 18 triệu đồng/người/tháng (tùy theo sức lao động chăm chỉ). Tân Điền là thôn trồng 172 ha cây Cao su, có 32 người lao động làm việc chăm sóc, cạo mủ Cao su. Trong đó, có 14 người lao động trong thôn có góp đất đóng làm cổ phần để trồng Cao su. Số lao động còn lại phần lớn là những cặp vợ chồng đến từ huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì.
Anh Thào Seo Lao cởi mở, lương tháng 6 vừa qua, tháng cây cho thu ít mủ nhất của 2 vợ chồng cũng được 24 triệu đồng. Từ tháng 7 trở đi đến hết tháng 11 hàng năm vợ chồng mình năm nào cũng thu được khoảng 36 – 42 triệu đồng/tháng. Ngoài việc cạo và thu mủ, vợ chồng anh Lao còn nhận chăm sóc thường xuyên cho gần 7 ha Cao su để có thêm thu nhập. Tiền công phát dọn, chăm sóc rừng cây được Công ty trả thêm từ 175 – 300 ngàn đồng/ha.
Mục sở thị về xã Yên Hà, huyện Quang Bình là vùng trồng cây Cao su tập trung khá lớn của Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang, anh Phạm Viết Linh, đội trưởng cho hay: Yên Hà hiện có trên 115 ha cây Cao su; số công nhân làm việc cạo mủ, chăm sóc là 14 người. Thu nhập bình quân mỗi lao động tính trung bình cả năm dao động từ 5,5 – 6 triệu đồng/người/tháng, tương đương 70 triệu đồng/người/năm. Toàn bộ công việc từ chăm sóc vườn cây đến cạo, thu mủ đều làm theo khoán sản phẩm. Trong đó, phát dọn, chăm sóc là 170 – 300 ngàn đồng/ha. Công thu hoạch từ cạo mủ dao động từ 450 –550 ngàn đồng/tạ. Bí thư Đảng bộ xã Yên Hà, Hoàng Văn Điều nhận định: Cây Cao su trồng tại Yên Hà đang dần dần làm thay đổi tư duy của người nông dân theo hướng tích cực. Một người dân trong xã tham gia làm việc chăm sóc, cạo mủ Cao su cũng nhận được mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/tháng. Thời điểm cây Cao su cho mủ nhiều nhất tập trung từ tháng 7 đến hết tháng 11, tiền công thu được của người lao động từ cạo mủ đạt từ 9 – 12 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, cây Cao su đã, đang cho thu hoạch mủ sản lượng mỗi năm một tăng là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp và người lao động quê nhà.
Ghi nhận tại những nơi người dân tham gia góp đất làm cổ phần trồng Cao su, cho thấy người dân góp đất làm cổ phần rồi làm công nhân Cao su đã giải quyết tốt được bài toán về kinh tế, việc làm, lao động và thu nhập ổn định, bền vững.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG