12:12, 04/09/2023
BHG – Tùng Vài là một xã biên giới của huyện Quản Bạ, nơi đây có hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập chủ yếu của bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn.
Trên cơ sở phân tích sự phù hợp về điều kiện, trình độ canh tác và xu thế của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã Tùng Vài đã định hướng phát triển 3 loại cây trồng chủ lực mới trong lĩnh vực trồng trọt, gồm: Cà chua, Dưa chuột và ớt, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế tăng thu nhập cho bà con.
Lãnh đạo xã Tùng Vài kiểm tra mô hình trồng Dưa chuột của bà con thôn Lùng Chu Phìn. |
Thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển các cây trồng chủ lực, xã đã hình thành, phát triển vùng trồng thử nghiệm cây Cà chua năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích trồng năm 2023 ước đạt 6 ha ở các thôn Pao Mả Phìn, Lùng Chu Phìn, Tùng Pàng; Dưa chuột ước đạt khoảng 7 ha ở thôn Sì Lo Phìn, Lùng Chu Phìn; cây ớt được trồng thử nghiệm ở bản Thăng với khoảng 1 ha.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Trọng Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã được biết: Xã đã triển khai áp dụng theo Nghị quyết 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 do Quốc hội ban hành, các thôn bản trong xã đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Ngành nông nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả.
Là hộ gia đình tiêu biểu vươn lên phát triển kinh tế từ trồng cây Cà chua, anh Vương Phát Quý, thôn Lùng Chu Phìn cho biết: Trước đây gia đình anh trồng ngô, lạc và một số loại cây hoa màu khác thu nhập không cao. Nhưng từ khi chuyển sang trồng Cà chua, gia đình anh đã có “của ăn của để” bởi cây Cà chua tương đối dễ trồng, cho năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Giá bán dao động từ 18 – 22 nghìn đồng/kg, đầu ra ổn định.
Trên tinh thần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, theo chuỗi giá trị. Vì vậy, việc phát triển các loại cây trồng chủ lực của xã cũng phải bám sát vào mục tiêu xuyên suốt đó. Xã tiếp tục có những định hướng, giải pháp cụ thể và dài hơi cho nông nghiệp địa phương. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp phải luôn nhận thức được rằng, trong tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhất là đối với cây trồng chủ lực, cần phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Để tiếp tục phát triển các cây trồng chủ lực, xã Tùng Vài đang tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn phát triển các cây trồng chủ lực. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Từ đó, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây trồng chủ lực của xã.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm