10:29, 30/12/2024
BHG – Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, các chương trình chuyển giao KHKT đang mang lại nhiều kết quả nổi bật, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững theo chuỗi giá trị và nâng cao đời sống nông dân.
Hà Giang có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi đặc sản như: cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, Hồng không hạt, gạo Già dui, bò vàng, lợn đen, gà đen… Để phát huy lợi thế này, tỉnh tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đẩy mạnh ứng dụng KHKT bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, chứng nhận chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cho các sản phẩm. Năm 2024, ngành chức năng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức các lớp tập huấn tiếp cận thị trường, giải pháp phát triển chăn nuôi lợn bản địa theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi bò vỗ béo gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi và cây con như: Giống bò vàng, lợn địa phương, chăm sóc 350 đàn ong nội và các vườn cây đầu dòng hiện có như lê Đài Loan, đào Vân Nam, mận Tam hoa với tổng số 507 cây; bảo tồn 30 dòng chè Shan, các loại cây dược liệu quý quy mô 0,5 ha; bảo tồn giống cam Sành chất lượng cao ít hạt với quy mô 0,5 ha tại xã Hùng An (Bắc Quang). Thực hiện gieo ươm trên 10.000 cây ăn quả các loại; nuôi lưu giữ, bảo tồn 7 loài cá bản địa; ứng dụng KHKT để sinh sản nhân tạo cá Dầm xanh, Anh Vũ, Chày đất, cá Mi, cá Lăng chấm, cá Bỗng, chép ruộng giống gốc để tăng số lượng cá thể của những loài cá bản địa quý hiếm.
Mô hình nuôi thâm canh cá hỗn hợp trong ao tại xã Việt Lâm (Vị Xuyên). Ảnh: An Giang |
Bên cạnh đó, nhiều mô hình, dự án sản xuất điển hình được áp dụng KHKT đang mang lại những chuyển biến rõ nét, làm thay đổi tư duy và cách thức sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Tiêu biểu như: Mô hình “Áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh phòng, chống bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam gắn với tiêu thụ sản phẩm” trên địa bàn huyện Bắc Quang, Quang Bình với quy mô 8 ha; năng suất tăng trên 15% so với ngoài mô hình, hiệu quả kinh tế tăng từ 15 – 20% so với sản xuất đại trà, trên 70% sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp cam kết tiêu thụ. Mô hình nâng cao hiệu quả nuôi thâm canh cá hỗn hợp trong ao tại 2 xã Quảng Ngần và Việt Lâm (Vị Xuyên) với quy mô 3 ha, năng suất thu hoạch đạt 2,12 tấn/0,1ha, lợi nhuận trên 56 triệu đồng/0,1ha, tăng so với nuôi đại trà 21%. Mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, quy mô 105 con/20 hộ tham gia tại xã Tả Lủng và Sủng Là (Đồng Văn) gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình trồng, thâm canh cây lê gắn với phát triển du lịch sinh thái và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Mèo Vạc và Đồng Văn với quy mô 5 ha. Mô hình nuôi cá Lăng chấm trong lồng trên sông, hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch sinh thái tại thôn Mịch A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên), quy mô 280 m³, trọng lượng cá trung bình đạt 1,5 kg/con, lợi nhuận đạt trên 333 triệu đồng/100 m³. Sở Nông nghiệp và PTNT kết nối với Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ gần 4 tỷ đồng thực hiện mô hình phát triển nông nghiệp cho 4 HTX gồm: HTX Cát Lý (Vị Xuyên) phát triển chăn nuôi giống bò vàng vùng cao; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Niên (Yên Minh) phát triển nuôi ong lấy mật; HTX Thương mại dịch vụ và chế biến Nông lâm sản Hoàng Su Phì sản xuất chè Shan tuyết; HTX Sông Chừng (Quang Bình) phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa.
Xây dựng chuỗi liên kết chè bền vững tại HTX chè shan tuyết Cao Bồ (Vị Xuyên). Ảnh: PV |
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ, ngành Nông nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ISO, HACCP; ban hành quy trình canh tác chè Shan tuyết và các quy chế, công cụ quản lý quyền sở hữu trí tuệ gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Hà Giang; hỗ trợ thiết kế bao bì có logo chỉ dẫn địa lý cho 6 doanh nghiệp, HTX; cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hà Giang dùng cho sản phẩm chè Shan tuyết với 12 doanh nghiệp, HTX; tiếp nhận và thẩm định cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 80 cơ sở sản xuất. Tập trung hỗ trợ nâng hạng sao cho các sản phẩm OCOP; đến nay, toàn tỉnh có 203 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 197 sản phẩm 3 sao, 4 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; thành lập mới 33 HTX; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội; duy trì, mở rộng các vùng nguyên liệu. Trong năm, đã thu hút 16 HTX và 5 doanh nghiệp đầu tư vào các chuỗi giá trị sản xuất với tổng giá trị phê duyệt trên 116 tỷ đồng.
KHKT là “chìa khóa” hướng tới nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, tuy nhiên, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều mô hình, dự án sản xuất chưa được nhân rộng. Vì vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, đầu tư, hỗ trợ để KHKT đồng hành cùng nhà nông, nâng tầm giá trị nông sản địa phương, phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
AN GIANG
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202412/tu-bao-ton-giong-ban-dia-den-xay-dung-chuoi-gia-tri-ben-vung-fef258b/