12:22, 14/12/2023
BHG – Sáng 14.12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29). Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện, thành phố.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang. |
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành GD&ĐT đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ. Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao. Công tác thi, kiểm tra, đánh giá ngày càng thực chất, khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.
Tại tỉnh Hà Giang, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã được nâng lên. Hệ thống giáo dục của tỉnh được sắp xếp tinh gọn, đồng bộ; chất lượng các cấp học từng bước được nâng cao. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển sâu rộng. Toàn tỉnh có 311/614 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 85% số giáo viên đạt trình độ chuẩn, trên chuẩn. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục đạt trên 30% tổng chi ngân sách địa phương; huy động khoảng 1.000 tỷ đồng xã hội hóa giáo dục.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Các cấp, ngành tiếp tục quán triệt đầy đủ và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quan điểm coi GD&ĐT là “quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giáo dục; quan tâm phát triển giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; rà soát, sắp xếp phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên cũng như tuyển dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài trong ngành giáo dục, đảm bảo số lượng giáo viên theo định mức quy định; đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục; huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong GD&ĐT.
Tin, ảnh: AN GIANG