17:37, 20/12/2023
BHG – Nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách trong quy hoạch vùng trồng dược liệu tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân trao đổi, thảo luận trong việc trồng và phát triển cây dược liệu, sáng 20.12, tại thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên), Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp phát triển bền vững cây dược liệu”. Tham gia buổi tọa đàm có lãnh đạo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT một số huyện, thành phố; đại diện các xã của huyện Vị Xuyên; cùng đông đảo các HTX, hộ dân trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham gia tọa đàm. |
Theo số liệu thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam có gần 4 nghìn loài cây dược liệu, trong đó Hà Giang có trên 1.100 loài, với 78 loài cây thuốc quý hiếm. Tổng diện tích dược liệu trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt hơn 18.300 ha. Những năm qua, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư và sự nỗ lực của tỉnh, công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu được chú trọng và đạt được nhiều kết quả. Nhiều dự án, mô hình trồng và phát triển thử nghiệm đối với một số cây dược liệu có giá trị cao đã được thực hiện; tạo thuận lợi trong cơ chế, chính sách thu hút nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia trồng, sản xuất, chế biến dược liệu với quy mô, sản lượng ngày càng lớn hơn.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh hiện đang phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trồng Sa nhân tím tại một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc” thực hiện tại xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì), xã Pà Vầy Sủ và xã Thu Tà (Xín Mần), xã Tiên Nguyên (Quang Bình). Phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện Đồng Văn thực hiện dự án với quy mô 10 ha/60 hộ tham gia, mô hình trồng mới dược liệu (cây Đương quy Nhật) và liên kết với HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Phố Bảng đối ứng thực hiện mô hình máy sơ chế, chịu trách nhiệm thu mua, bao tiêu sản phẩm. Mô hình phát triển sản xuất cỏ ngọt SV1 tại huyện Vị Xuyên gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Đại biểu tham quan Trung tâm sản xuất giống cây trồng công nghệ cao của Chi nhánh Công ty cổ phần phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam tại thị trấn Vị Xuyên. |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình phát triển dược liệu của tỉnh còn có một số khó khăn như: Do địa hình phức tạp, hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh, phần diện tích là đất đồi núi chiếm 70% diện tích của một dự án nên chi phí đầu tư vào san lấp và xây dựng hạ tầng chiếm phần lớn chi phí. Các diện tích dự kiến quy hoạch cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nên khó chuyển đổi mục đích sử dụng. Nguồn vốn đầu tư cho việc phát triển trồng cây dược liệu lớn, không có doanh nghiệp thu mua nên người dân không dám mạnh dạn đầu tư trồng cây dược liệu dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu của tỉnh. Đầu ra cho cây dược liệu do nhân dân sản xuất còn hạn chế, phụ thuộc vào các thương lái. Nguồn giống của các loài cây bản địa ít, các loài cây khác không có cơ sở, doanh nghiệp cung cấp cây con giống tốt cho nhân dân. Sự vận dụng và tác động về mặt khoa học công nghệ còn ít, nhất là khâu chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Tại Tọa đàm, chuyên gia tư vấn Chi nhánh Công ty cổ phần phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam chia sẻ về quy trình trồng, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch của các loại cây dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu tham gia thảo luận, đánh giá thực trạng khai thác, tiềm năng sử dụng cây dược liệu; chính sách hỗ trợ; sản xuất cây dược liệu dưới tán rừng… Đồng thời, đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn và mô hình phát triển bền vững các loài cây thuốc bản địa. Giải pháp chủ yếu hướng đến bảo tồn, phát triển giống và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cây dược liệu; quy hoạch vùng trồng cây dược liệu quý; quan tâm đến công tác tuyên truyền và nâng cao trình độ kỹ thuật, liên kết thị trường cho người dân.
Tin, ảnh: Văn Long