14:21, 29/10/2023
BHG – Vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, sở hữu tiềm năng du lịch lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc. Những năm qua, các tỉnh trong khu vực đã đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, qua đó tạo động lực cho du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
Đại diện 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng thực hiện nghi thức công bố 2 sản phẩm du lịch liên kết vùng năm 2023. |
Chú trọng khai thác tiềm năng sẵn có
Được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, cảnh quan và hệ sinh thái, vùng Tây Bắc mở rộng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Cùng với đó, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Vùng Tây Bắc mở rộng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ…
Để du lịch vùng Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, 8 tỉnh trong khu vực đã xây dựng các sản phẩm du lịch mang dấu ấn, thương hiệu riêng, tạo điểm nhấn khác biệt đối với du khách dựa trên các thế mạnh nổi trội của từng địa phương. Điển hình như Lào Cai tập trung phát triển du lịch khám phá dựa vào ưu thế có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; du lịch nghỉ dưỡng tại thị xã Sa Pa, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Hòa Bình đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng với nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng được du khách trong và ngoài nước biết đến như Bản Lác, Bản Poong Cọm (Mai Châu). Còn đối với tỉnh ta, tập trung phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm gắn với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng tại các Làng Văn hóa như Nặm Đăm (Quản Bạ), Pả Vi Hạ (Mèo Vạc), Lô Lô Chải (Đồng Văn)…
Với đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, các tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng có hình thức canh tác nông nghiệp đặc biệt đó là trồng lúa nước trên các thửa ruộng bậc thang. Với vẻ đẹp độc đáo, kỳ vĩ, kết tinh từ văn hóa và lao động của con người vùng cao, cùng các yếu tố như: Những con đường kết nối ruộng bậc thang, đan xen với khe nước, sông, suối, rừng cây, đồi chè và những ngôi nhà của người dân… trở thành nguyên liệu để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên hình thức canh tác độc đáo này. Đặc biệt, các tỉnh trong khu vực có hàng chục nghìn ha ruộng bậc thang với vẻ đẹp riêng có, trong đó 3 địa danh là huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) có gần 2.200 ha, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) gần 765 ha và Sa Pa (Lào Cai) gần 1.000 ha đã được công nhận là Danh thắng cấp Quốc gia. Đây là tiềm năng rất lớn để các tỉnh liên kết, phát triển du lịch.
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm trên những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì. |
Để khai thác tiềm năng này, các địa phương xác định xây dựng các mùa vụ để khai thác ruộng bậc thang phục vụ phát triển du lịch: Thời gian khai thác ruộng bậc thang hiện nay tập trung vào hai mùa chính trong năm là mùa nước đổ (tháng 4 – 5) và mùa lúa chín (tháng 9 – 10). Đặc biệt, đối với tỉnh ta, các xã, thị trấn có ruộng bậc thang đã kết hợp nuôi thả cá Chép, để du khách trải nghiệm hoạt động bắt cá và chế biến các món ăn từ cá Chép ruộng.
Liên kết đổi mới các sản phẩm du lịch
Những năm qua, thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh trong nhóm thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong công tác quảng bá, xúc tiến, kêu gọi thu hút du lịch; thiết lập hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xúc tiến du lịch chung giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các tỉnh trong nhóm hợp tác đã tổ chức 14/25 hoạt động; thu hút hơn 36,3 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu du lịch gần 105.000 tỷ đồng.
Hiện nay, nhóm hợp tác đã liên kết và đưa vào khai thác hiệu quả nhiều tour du lịch kết nối các tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh như: Tour về miền đất Tổ – Cội nguồn dân tộc: Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội – Phú Thọ – Lai Châu – Sa Pa, Bảo Yên (Lào Cai) – Quang Bình, Đồng Văn (Hà Giang). Tour Bản Hùng ca Tây Bắc: Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Sa Pa (Lào Cai) – Hà Giang… Sản phẩm du lịch liên kết giữa các tỉnh trên tuyến “Vòng cung Tây Bắc” được nhiều doanh nghiệp lữ hành tại khu vực và cả nước quan tâm, giới thiệu đến du khách và được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá Tây Bắc.
Để thu hút khách du lịch đến với Tây Bắc nhiều hơn, các tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng mới các tour, tuyến với những sản phẩm mang tính liên vùng cao. Bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ, Công ty Vietravel cho biết: Vừa qua, tại Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch” diễn ra trong Tuần lễ “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” năm 2023, Công ty Vietravel đã phối hợp với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tiến hành công bố 2 sản phẩm du lịch mới, gồm: Về miền di sản ruộng bậc thang, câu chuyện “Người dệt thổ cẩm giữa trời Tây Bắc’ và Ngược dòng sông Đà về miền ký ức, câu chuyện “Người giữ hồn Tây Bắc”. Đây là 2 tour mới, kết nối các sản phẩm đặc thù, tiêu biểu, riêng có vùng Tây Bắc như ruộng bậc thang, sông Đà, văn hóa bản địa, mỗi điểm đến là 1 trải nghiệm không lặp lại, có yếu tố khác biệt, hứa hẹn tạo nên hành trình thú vị cho du khách…
Bài, ảnh: YÊN HOA