15:40, 20/09/2023
BHG – Lấy hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu và phục vụ người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm trong các hoạt động về ngoại giao kinh tế, kinh tế đối ngoại; khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân vào triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế, là nội dung trọng tâm của Chương trình số 37-CTr/TU ngày 21/03/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế đối ngoại tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong thời gian qua, công tác ngoại giao của tỉnh đã có những thành tựu đáng kích lệ, giai đoạn 2015-2022, Hà Giang đón 620 đoàn khách quốc tế đến làm việc, tìm hiểu tình hình phát triển KT-XH và xúc tiến các dự án hợp tác, đầu tư và tổ chức 690 đoàn lãnh đạo các cấp, ngành đi công tác nước ngoài, tham gia các diễn đàn khu vực, quốc tế, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, thúc đẩy hợp tác với các địa phương của một số quốc gia, các tổ chức nước ngoài. Tỉnh đã ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 3 địa phương các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và đẩy mạnh quan hệ hợp tác sẵn có với tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Ký kết 123 biên bản, thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài trong đó có 88 thỏa thuận, biên bản ký với các đối tác Trung Quốc, chiếm 71,5%; 35 thỏa thuận ký với các đối tác nước ngoài khác, chiếm 28,5%. Chủ trì tổ chức 64 hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài nước. Tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như: Hội nghị “Giới thiệu Hà Giang” với các đối tác nước ngoài; tham gia các hội nghị “Gặp gỡ Đại sứ”; tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư năm 2015, hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, các hội nghị xúc tiến du lịch, thương mại trong và ngoài nước; tham gia chương trình xúc tiến đầu tư, du lịch tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Australia…
Tỉnh Hà Giang tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ XII. Ảnh: CTV |
Công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần tích cực vào kết quả thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, các nguồn viện trợ nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển địa phương. Tỉnh đã vận động thu hút 17 chương trình, dự án ODA với tổng vốn trên 4.642 tỷ đồng; vận động, tiếp nhận 305 chương trình, dự án phi chính phủ, các khoản viện trợ không hoàn lại nước ngoài với tổng kinh phí ký cam kết 703,8 tỷ đồng, giải ngân thực hiện 599,3 tỷ đồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 92,96 tỷ đồng. Giá trị và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tăng dần qua các năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2015-2022 đạt 7.033 triệu USD. Lượng khách đến tham quan, du lịch giai đoạn 2015-2022 đạt trên 9,8 triệu lượt khách; trong đó có trên 1,1 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt 14.212 tỷ đồng. Riêng năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, tổng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 2,2 triệu lượt người; trong đó có 71.308 lượt khách quốc tế, tăng 2,5 lần so với năm 2021; doanh thu ước đạt 4.536 tỷ đồng. Với những kết quả trên, công tác kinh tế đối ngoại đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH, tạo nền tảng cho tỉnh từng bước hội nhập sâu, rộng và có định hướng, chiến lược trong thời gian tới.
Cụ thể hóa chủ trương, đường lối, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về công tác đối ngoại và nhiệm vụ phát triển KT-XH, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, quyết tâm thực hiện có hiệu quả 3 đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tỉnh đặt ra mục tiêu đổi mới hình thức, quy mô, cách thức triển khai công tác kinh tế đối ngoại trong giai đoạn tới, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại, làm cơ sở xây dựng, cụ thể hóa các nhiệm vụ, hỗ trợ hiệu quả việc triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án lớn của tỉnh trong giai đoạn mới.
Trong đó, đẩy mạnh hợp tác cấp độ địa phương, phát huy lợi thế liên kết vùng, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vận động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn viện trợ không hoàn lại của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; tạo hành lang pháp lý, quy định về tạo quỹ đất sạch, quản lý quỹ đất công để khai thác, thu hút đầu tư phát triển KT-XH. Tập trung phát triển kinh tế biên mậu, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Cửa khẩu song phương Xín Mần và các lối mở đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa. Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang kết nối đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai với Hà Giang… Đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng đặc hữu, thế mạnh của tỉnh như chè, mật ong, thổ cẩm, Tam giác mạch… xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường khác. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch… thu hút 5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030.
Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc; đàm phán, ký kết các thỏa thuận với các đối tác tiềm năng khác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan… Tập trung tạo chuyển biến và đột phá trong quan hệ với một số đối tác truyền thống là tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tranh thủ thu hút các nguồn lực trong quan hệ, cơ chế hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Tiểu vùng Mê Công… để thúc đẩy phát triển bền vững.
Thông qua các nhiệm vụ liên quan đến đối ngoại, hội nhập kinh tế, ngoại giao kinh tế nhằm góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang đến năm 2030.
LÊ HẢI