11:15, 11/09/2023
BHG – Qua những sản phẩm búp bê nhỏ xinh với trang phục truyền thống đồng bào các dân tộc, tuổi trẻ Xín Mần đã gửi gắm tâm tư, tình cảm và tuyên truyền lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Đoàn viên, thanh niên huyện Xín Mần hoàn thiện các sản phẩm búp bê. |
Dự án “Búp bê em gái các dân tộc” huyện Xín Mần được Huyện đoàn triển khai từ đầu năm. Đây là sản phẩm nằm trong kế hoạch xây dựng sản phẩm quà tặng của Hợp tác xã Thanh niên nông nghiệp số của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Xín Mần. Đồng chí Lộc Văn Huy, Bí thư Huyện đoàn Xín Mần, cho biết: Xuất phát từ các chủ trương, nghị quyết của tỉnh và huyện, đặc biệt là Nghị quyết 27 và Chỉ thị 09 của Tỉnh ủy về bài trừ, xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu gắn với xây dựng đời sống văn minh, bảo vệ quyền lợi cho trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, xây dựng sản phẩm du lịch, giữ gìn bản sắc dân tộc và đẩy mạnh chuyển đổi số trong thanh niên. Vì vậy, Huyện đoàn đã xây dựng kế hoạch và bắt tay vào triển khai Dự án “Búp bê em gái các dân tộc”. Để triển khai có hiệu quả, Huyện đoàn đã phân công giao nhiệm vụ cho một cán bộ phụ trách lĩnh vực dự án, trên cơ sở lấy ý kiến và phối hợp với Hội nghệ nhân dân gian, các đoàn viên, câu lạc bộ thanh niên ở thôn, bản có khả năng làm trang phục dân tộc để thực hiện.
Sản phẩm búp bê với bộ trang phục truyền thống các dân tộc của Huyện đoàn Xín Mần. |
Dự án được thực hiện từ tháng 3.2023, đến nay Huyện đoàn đã triển khai hoàn thiện sản phẩm búp bê em gái của dân tộc Nùng, Phù Lá, Dao và Mông. Đồng thời, xây dựng sổ tay điện tử, hoàn thiện mã QR Code cho các sản phẩm của từng dân tộc. Các sản phẩm trang phục truyền thống đều được làm bằng thủ công, chính tay các ĐVTN tạo nên. Theo các bạn đoàn viên, để làm hoàn được một sản phẩm phải mất từ 3 – 5 ngày, trong đó trang phục cho búp bê của người Nùng và người Mông mất nhiều thời gian nhất vì có nhiều họa tiết, hoa văn phức tạp, đòi hỏi có sự am hiểu và cẩn thận từng chi tiết nhỏ nhất. Cụ thể, đối với sản phẩm búp bê em gái dân tộc Nùng sẽ được triển khai theo 4 giai đoạn, thể hiện vòng đời của một bé gái, bao gồm: “Giấc mơ trên lưng mẹ” thể hiện hình ảnh người mẹ dân tộc Nùng địu con nhỏ trên lưng; “Tuổi thơ xanh vời vợi” là hình ảnh em bé dân tộc Nùng khoảng 5 – 6 tuổi dạo chơi; “Tuổi trăng tròn” tạo hình thiếu nữ Nùng xinh đẹp với khăn quấn đầu và phụ kiện vòng cổ, vòng tay bằng bạc; “Chung đôi” thể hiện đôi nam, nữ dân tộc Nùng tới tuổi trưởng thành, kết hôn, xây dựng hạnh phúc. Theo từng giai đoạn, sản phẩm búp bê em gái Nùng được làm kích thước to, nhỏ khác nhau, thể hiện màu sắc, họa tiết và kiểu dáng khác nhau kết hợp với trang sức phù hợp bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng ở Xín Mần. Ngoài ra, Huyện đoàn Xín Mần đã hoàn thiện mã QR cho sản phẩm, gắn với giới thiệu bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, điểm du lịch từng địa phương bằng tiếng Việt và tiếng Anh để phục vụ du khách.
Bí thư Huyện đoàn Xín Mần, Lộc Văn Huy chia sẻ thêm: Việc triển khai dự án làm búp bê với trang phục truyền thống dân tộc không chỉ giúp ĐVTN hiểu, yêu những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình mà còn tạo việc làm những lúc nông nhàn cho các bạn trẻ. Để bảo đảm tính chính xác về thiết kế và thi công trang phục dân tộc, Huyện đoàn thực hiện theo địa bàn dân tộc, ví dụ với bộ trang phục dân tộc Nùng, đưa về nơi các bạn dân tộc Nùng sinh sống để làm; bộ trang phục dân tộc Phù Lá sẽ được các bạn thanh niên ở xã Nàn Xỉn đảm nhiệm… Ngoài ra, Huyện đoàn đã triển khai đội hình làm 4 bộ trang phục của 4 dân tộc (Nùng, Phù Lá, Dao, Mông) ở 4 xã, mỗi đội hình có 15 đoàn viên tham gia.
Những búp bê xinh xắn với bộ trang phục truyền thống đã được ĐVTN huyện Xín Mần tỉ mỉ, trau chuốt, tạo nên hình khối đẹp mắt, lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Dự án triển khai sẽ làm đa dạng các sản phẩm du lịch, hứa hẹn sẽ mang lại thêm thu nhập cho ĐVTN trên địa bàn. Trong thời gian tới, ngoài sản phẩm búp bê em gái với trang phục truyền thống dân tộc, Huyện đoàn sẽ triển khai sản phẩm quà tặng là những sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương và từng bước hoàn thiện hoạt động của Hợp tác xã Thanh niên nông nghiệp số huyện Xín Mần.
Bài, ảnh: Văn Long