11:44, 17/01/2024
BHG – Sớm Đông se lạnh, khi mặt trời vừa nhô lên đỉnh núi, những giọt sương long lanh trong tia nắng ban mai, chúng tôi đến với xã Thái An thơ mộng. Vừa đến nơi đây, tôi đã cảm nhận rõ không khí trong lành, con đường uốn lượn quanh các sườn núi, ngắm những cánh rừng, dòng sông xanh biếc, tôi tranh thủ chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm và cũng để khoe với bạn bè về khung cảnh nên thơ hiền hòa khó tả hết bằng lời.
Đưa chúng tôi đi tham quan một số thôn bản, đồng chí Ma Mí Phong, Bí thư Đoàn thanh niên xã Thái An cho biết: “Xã có tổng diện tích đất tự nhiên 5.071,84 ha, 575 hộ với 2.893 nhân khẩu. Khác với mấy năm về trước người dân chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa thì nay người dân xã Thái An đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và phát triển dịch vụ, du lịch. Xã nằm trong bản đồ du lịch của Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, có tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm với vẻ đẹp mộc mạc. Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Nùng, Giấy… người dân còn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, thể hiện qua ẩm thực, trang phục, nếp nhà”.
Chợ Ba Tiên thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm. |
Du khách đến đây, sẽ được tham quan, trải nghiệm và hòa mình vào thiên nhiên với rừng trúc thẳng tắp, xanh ngút ngàn. Nhiều du khách đến đây đã ví rừng trúc như bối cảnh của phim cổ trang Trung Quốc. Du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, cảnh sắc tươi đẹp, khi trải nghiệm tại rừng trúc sẽ còn khám phá được nhiều góc “check-in” vô cùng đẹp mắt.
Cùng đó nơi đây có một phiên chợ nổi tiếng là “chợ tình Ba Tiên” được họp vào chiều thứ 5 hàng tuần tại ngã ba thôn Cán Hồ và thôn Lùng Hẩu, nằm ngay trên đường liên xã Thái An (Quản Bạ) – Đường Thượng (Yên Minh). Phiên chợ được bắt nguồn từ một truyền thuyết về tình yêu của một đôi trai gái. Ở một làng Mông nọ, nằm dưới chân núi, cô gái tên Ba Tiên yêu một chàng trai thổi sáo giỏi. Hai người yêu nhau cùng ước hẹn đến ngày nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên, do hai bên gia đình không môn đăng hậu đối, nên hai người không thể nên duyên, cô gái buồn bã đã bỏ lên núi cao, chàng trai nghe tin đã vội vã lên núi tìm nàng. Để lên được đỉnh núi, chàng đã đi hết 7 ngày, nhưng vẫn không thấy nàng, chàng gọi thế nào cũng chỉ thấy vang vọng lại tiếng ai oán đến xé lòng của núi rừng. Cứ 7 ngày chàng trai lại đến ngồi dưới chân núi thổi sáo, tiếng sáo của chàng đã thu hút nhiều chàng trai, cô gái trong bản dưới chân núi tò mò, đến nghe. Từ đó, người dân đặt tên ngọn núi ấy là núi Ba Tiên. Từ câu chuyện đó, ngày nay nơi đây đã trở thành điểm hẹn hò của các đôi trai gái và là phiên chợ mua sắm trong bản Mông vào chiều thứ 5 hàng tuần cho đến nay. Núi Ba Tiên cũng là một địa điểm lý tưởng dành cho du khách có đam mê trekking, trải nghiệm.
Nghề dệt lanh truyền thống của đồng bào dân tộc Mông xã Thái An được gìn giữ để phát triển du lịch. |
Ngoài ra, nơi đây có những giá trị văn hóa ẩm thực phong phú với những món ăn như: Thắng cố, lẩu bò, măng rừng, gà đen, thịt treo gác bếp, các món nướng. Lấy nông nghiệp làm chủ lực, ngoài diện tích trồng lúa, ngô theo vụ mùa, nhân dân xã Thái An còn trồng hoa Tam giác mạch để phục vụ khách du lịch tham quan chụp ảnh. Trồng các loại cây dược liệu, cây ăn quả, nuôi ong lấy mật, tạo ra các sản phẩm đặc trưng, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
Chị Lê Kiều Oanh, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cảm giác đầu tiên khi đến với Thái An của tôi là một màu xanh ngút ngàn của cây cối và không khí trong lành, mát dịu. Khi tham quan rừng trúc tôi cảm thấy choáng ngợp, ấn tượng, dù nơi này vẫn còn khá hoang sơ. Thái An nếu được đầu tư chắc chắn sẽ thành điểm thu hút khách du lịch. Chắc chắn trong dịp gần đây nhất tôi sẽ cùng bạn đến đây để trải nghiệm leo núi Ba Tiên”.
Đồng chí Hạng Mí Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thái An cho biết: “Trong những năm trở lại đây xã đã xây dựng được 3 khu dân cư kiểu mẫu, thực hiện dọn dẹp nhà cửa, trồng hoa, hàng rào xanh… tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe và thu hút khách du lịch. Tổ chức các hoạt động như: Lễ hội đan lát; duy trì các câu lạc bộ dân gian dân tộc Mông; chợ phiên được họp vào thứ 4 và chợ Ba Tiên vào chiều thứ 5 hàng tuần. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của địa phương”.
Rời Thái An khi hoàng hôn buông xuống, trên hành trình trở về thành phố khiến chúng tôi vẫn còn xao xuyến. Những nét đẹp mộc mạc, giản dị của một rẻo cao với những cánh rừng xanh ngút ngàn sẽ làm du khách không thể nào quên. Nếu tiềm năng, thế mạnh về mảnh đất và con người được đánh thức, tin rằng du lịch Thái An sẽ “cất cánh” vào một ngày không xa.
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu