09:03, 30/01/2024
BHG – Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên sạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm và các tác động môi trường; linh hoạt trong khả năng thích ứng với các hiểm họa thiên nhiên; quản lý môi trường trong phòng, chống thiên tai. Thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ, tỉnh ta đang đi trên lộ trình phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.
Phát triển cây, con đặc trưng theo hướng hữu cơ
Trong những năm gần đây, tỉnh ta đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng theo chuỗi giá trị, ứng dụng KHKT để nâng cao giá trị sản phẩm, đây là một trong những nội dung của tăng trưởng xanh. Trong đó phải kể đến lĩnh vực trồng và chế biến chè Shan tuyết, hiện đã được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý ở 6 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, thành phố Hà Giang. Tổng diện tích chè đang cho sản phẩm là 19.027 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 85.000 tấn/năm. Diện tích chè Shan tuyết cổ thụ được phân bố ở độ cao trên 600 m so với mực nước biển đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 1.324 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn 5 huyện là Cây Di sản Việt Nam. Nhờ giữ được đặc tính tự nhiên, trồng cây theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất nên cây chè của tỉnh được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để làm nguyên liệu sản xuất các loại trà cao cấp, có giá trị trên thị trường. Hiện nay, đang có gần 60 cơ sở chế biến chè quy mô công nghiệp hoạt động, sử dụng nguồn nguyên liệu trên địa bàn để sơ chế, chế biến với tổng sản lượng đạt trên 4.600 tấn/năm. Trong đó, một số doanh nghiệp có dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, công suất lớn, tạo ra những sản phẩm chè có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, xuất khẩu đi nhiều nước và được khách hàng quốc tế đánh giá tốt như: Trà đen, trà xanh, trà vàng, trà Phổ Nhĩ, Hồng trà, trà Móng rồng…
Trồng Bắp cải theo nhóm liên kết sản xuất ở xã Tùng Vài (Quản Bạ). |
Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc trưng khác như cam Sành, Hồng không hạt, Tam giác mạch, mận, lê, lúa đặc sản, chất lượng cao gắn với ruộng bậc thang được trồng tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần như Già Dui, nếp Quảng Nguyên, gạo Đỏ. Trong đó, sản phẩm gạo Già Dui được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Nhóm cây dược liệu, gia vị cũng là thế mạnh của tỉnh, năm 2023 toàn tỉnh ước trồng được trên 19.100 ha, diện tích cho thu hoạch 11.000 ha, sản lượng đạt trên 7.380 tấn. Bước đầu đã triển khai được chuỗi dự án liên kết trồng, chế biến, thương mại hóa các sản phẩm giá trị cao từ dược liệu và nông sản của Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng. Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bò vàng tại 4 huyện vùng cao, với tổng đàn bò đạt trên 96.500 con. Phát triển chăn nuôi lợn đen tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, tổng đàn ước đạt 151.100 con. Mật ong Bạc hà đã được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, với tổng đàn ước đạt 43.800 tổ; gắn với duy trì diện tích cây Bạc hà tự nhiên trên 3.200 ha. Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT, đảm bảo quy trình chăn nuôi nên hầu hết các sản phẩm nông sản của tỉnh đều là sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nâng cao chất lượng nông sản
Thực hiện phát triển nông nghiệp bền vững, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn nhân dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 ước đạt trên 15.700 tỷ đồng, tăng 6,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp ước đạt 13.700 tỷ đồng; lâm nghiệp ước đạt 1.800 tỷ đồng; thủy sản ước đạt 142 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha canh tác ước đạt 62 triệu đồng. Người dân được khuyến khích áp dụng nhiều công nghệ trong sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới như: Cơ giới hóa khâu làm đất, thủy canh, công nghệ tưới tiết kiệm, sử dụng công nghệ trong sơ chế bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản và dịch vụ thương mại, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật hữu cơ… Ngoài ra, áp dụng quy trình sản xuất an toàn hoặc quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), sản xuất nông nghiệp hữu cơ góp phần nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp. Theo đó, sản phẩm chè đã được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn an toàn trên 10.400 ha, chiếm 52% diện tích chè toàn tỉnh, chiếm 56% diện tích cho thu hoạch. Đã triển khai hỗ trợ xây dựng, chứng nhận vùng nuôi ong theo quy trình chăn nuôi tốt (VietGAHPF) cho 13 cơ sở nuôi ong tập trung, với 207 hộ tham gia. Hỗ trợ xây dựng, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (HACCP) cho 14 cơ sở sơ chế, chế biến mật ong Bạc hà có quy mô lớn, tập trung trên địa bàn 4 huyện vùng cao. Ngành Công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh đang từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, được định hướng đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, áp dụng KHKT công nghệ, có đầu tư về máy móc hỗ trợ sản xuất nên nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao.
Tỉnh đã vận hành các phần mềm quản lý nhà nước liên thông cấp bộ như: Phần mềm khai báo, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, áp dụng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia nhằm quản lý thông tin doanh nghiệp, hoạt động hóa chất. Phần mềm quản lý an toàn thực phẩm. Mở rộng hội nhập về khoa học và công nghệ, tham gia các sự kiện kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam với các hoạt động tư vấn và kết nối cung, cầu công nghệ, nhằm trao đổi và tư vấn chuyên sâu về các chính sách, giải pháp công nghệ và đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho các doanh nghiệp có nhu cầu, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới. Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; do đó mỗi cá nhân, tổ chức sản xuất cần có trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội để phát triển một cách bền vững.
Bài, ảnh: LÊ HẢI