Bên cạnh công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì thời gian qua, huyện vùng cao Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũng đã tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Triển khai có hiệu quả Đề án của Chính phủ về “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025” với những kết quả đáng phấn khởi.
Các cháu học sinh DTTS huyện Mèo Vạc trong một tiết học về chữ cái |
Một tiết học tại điểm trường Mầm non thôn Quán Xí, xã Lũng Pù huyện Mèo Vạc. Cô và trò hào hứng phấn khởi với môn tiếng việt, nhận biết bảng chữ cái và đồ vật xung quanh ta. Điểm trường có 03 lớp học với 76 trẻ. Trong bối cảnh còn thiếu giáo viên, song nhà trường cũng đã bố trí đủ 3 cô giáo trực tiếp giảng dạy tại điểm trường này, điều đặc biệt nhất là đã bố trí được 01 cô giáo mần non là dân tộc Mông để thuận lợi hơn trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Cô giáo Vàng Thị Máy, giáo viên mầm non tại điểm trường chia sẻ: “các em học sinh ở đây 100% là đồng bào dân tộc Mông, trẻ khi bắt đầu vào học mần non đều không biết nói tiếng Việt, do vậy hầu hết các em chưa mạnh dạn khi giao tiếp, chưa tham gia sôi nổi các hoạt động, cả cô và trò đều gặp khó khăn trong giao tiếp, dạy các em học tiếng Việt như “dạy học ngoại ngữ” vậy.
Còn tại Trường mầm non xã Sủng Trà nơi học tập của 468 cháu học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Trước đây các cháu chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ, do đó dẫn đến khả năng nói tiếng Việt và nghe, đọc, viết và hiểu tiếng Việt của trẻ em còn rất hạn chế. Do vậy trong giảng dạy hay giao tiếp với học sinh các cô giáo đều thực hiện song ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Mông để trao đổi với các em, do vậy các em cũng nhanh chóng làm quen và nói được tiếng Việt tốt hơn. Để giúp các em học sinh người đồng bào DTTS tiếp cận tiếng Việt trong giai đoạn chuyển cấp từ mầm non lên cấp 1, nhà trường đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Cô giáo Lê Thị Dung, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Sủng Trà chia sẻ.
Để trẻ tiếp cận nhiều hơn với tiếng Việt các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã có cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế như xây dựng “Góc tiếng Việt”, “Thư viện xanh”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”… tổ chức các cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, “Bé khỏe, bé ngoan”, hội thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống địa phương, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu tiếng Việt cho học sinh ở mọi lúc, mọi nơi. Thông qua đó tạo môi trường tốt nhất để các em được khám phá, trải nghiệm và trau dồi vốn tiếng Việt, khuyến khích trẻ em giao tiếp, tương tác bằng tiếng Việt.
Được biết hiện nay toàn huyện Mèo Vạc có 336 lớp mầm non với trên 8.770 học sinh việc nói tiếng Việt của nhiều trẻ em là DTTS còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến công tác dạy và học chưa thể nâng cao chất lượng như mong muốn, bởi lẽ trẻ em hạn chế tiếng Việt chính là “rào cản” ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học ở vùng đồng bào DTTS. Trong thời gian tới huyện tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học với nhiều hình thức phong phú, phù hợp. Tập trung đầu tư cũng như kêu gọi xã hội hóa trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, khai thác sử dụng thực hiện tăng cường tiếng Việt. Bố trí sắp xếp, nâng cao năng lực, đội ngũ cán bộ quản lý, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người DTTS; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách hỗ trợ giáo viên tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS.
Bà Lê Thị Tho, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc cho biết: Hằng năm ngànhg đều xây dựng kế hoạch, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về phương pháp, kỹ năng dạy học tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên về công tác quản lý, phương pháp, kiến thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập để tăng cường chuẩn bị tiếng Việt phù hợp với đối tượng trẻ mầm non người DTTS. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị tiếp tục quan tâm triển khai, thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên và công tác quản lý các hoạt động dạy học, nghiệp vụ, kỹ năng dạy học lớp ghép tại điểm trường lẻ…
Nhờ triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng trường và thực tiễn ở địa phương trẻ em vùng đồng bào DTTS của huyện Mèo Vạc nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung sẽ có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của địa phương.
Bài, ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)
Nguồn: http://hagiangtv.vn/doi-song-xa-hoi/202411/tang-cuong-tieng-viet-cho-tre-em-vung-cao-bien-gioi-cdd084d/