I. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất
Theo Niên giám thống kê năm 2021, trong 792,755 ha đất, đất nông nghiệp có 201.268,3 ha, Đất lâm nghiệp có 472.808,8 ha, Đất chuyên dùng có 22.589,5 ha, Đất ở có 7.795,8 ha. Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng, toàn tỉnh có 9 nhóm đất chính, trong đó chủ yếu là nhóm đất xám rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp, cây dược liệu và cây ăn quả.
2. Tài nguyên rừng
Hà Giang có diện tích rừng tương đối lớn, trong đó diện tích rừng tự nhiên là trê 345.860 ha, với nhiều sản vật quý hiếm: động vật có các loài gấu ngựa, sơn dương, voọc bạc má, gà lôi, đại bàng…; các loại gỗ: ngọc am, pơ mu, lát hoa, lát chun, đinh, nghiến, trò chỉ, thông đá…; các cây dược liệu như sa nhân, thảo quả, quế, huyền sâm, đỗ trọng… Rừng Hà Giang không những giữ vai trò bảo vệ môi trường sinh thái đầu nguồn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn cung cấp những nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng, y tế và sẽ là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh.
Hà Giang còn nhiều khu rừng nguyên sinh chưa được khai thác, môi trường sinh thái trong lành và chứa đựng nhiều tiềm ẩn kỳ thú. Các rừng đá trập trùng, nhấp nhô ẩn hiện trong mây bạc, nhiều đỉnh núi cao trên 2.000 m như Pu Ta Kha, Tây Côn Lĩnh; nhiều hang động đầy bí ẩn như Tùng Bá, Lùng Má, (huyện Vị Xuyên), Tùng Vài (Quản Bạ), Hang Mây, Sảng Tủng (Đồng Văn); các danh thắng như núi Cô Tiên, Cổng Trời (Quản Bạ).
3. Tài nguyên khoáng sản
Qua khảo sát, thăm dò, bước đầu tỉnh Hà Giang đã phát hiện được 28 loại khoáng sản khác nhau. Đáng chú ý là có những mỏ có trữ lượng lớn trên một triệu tấn với hàm lượng khoáng chất cao như: ăngtimon ở các mỏ: Mậu Duệ, Bó Mới (Yên minh); sắt ở Tùng Bá, Bắc Mê; chì – kẽm ở Na Sơn, Tả Pan, Bằng Lang, Cao Mã Pờ. Ngoài ra, còn có nhiều khoáng sản khác như: Pirít, thiếc, chì, đồng, mănggan, vàng sa khoáng, đá quý, cao lanh, nước khoáng, đất làm gạch, than non, than bùn…Hiện nay một số mỏ đang được khai thác có hiệu quả.
II. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Hà Giang là tỉnh có tài nguyên đa dạng nhưng chưa được khai thác có hiệu quả. Hà Giang có điều kiện phát triển công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là ăngtimon và cao lanh, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
Hà Giang có điều kiện khí hậu tốt và nhiều cảnh đẹp, suối nước nóng,… để phát triển du lịch quá cảnh. Đây là ngành then chốt trong phát triển kinh tế của tỉnh nhưng trong những năm vừa qua chưa thực sự giữ vị trí quan trọng.
2. Tiềm năng du lịch
Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thuộc vùng Đông Bắc sinh sống, với 22 dân tộc có nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động đã làm Hà Giang trở thành nơi hấp dẫn du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, Hà Giang có cảnh quan môi trường độc đáo của một tỉnh miền núi với những dãy núi cao đá tai mèo ở phía bắc và những cánh rừng bạt ngàn ở phía Nam. Năm 2010 Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; Tháng 9 năm 2012, Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Với mạng lưới sông suối luồn lách qua những đồi núi thấp hình thành những hồ lớn vào mùa mưa tạo ra những điểm du lịch hấp dẫn như hồ Noong. Do có nhiều núi đá vôi nên trong tỉnh có nhiều suối nước nóng là những địa điểm du lịch lý tưởng. Hà Giang có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ít nơi có được như: Suối Tiên, cổng Trời, thác nước Quảng Ngần, khu Nậm Má, khu chum vàng, chum bạc và di tích nhà họ Vương…Đặc biệt là Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và Ruộng bậc thang Hoàng Su Phí
Một thế mạnh khác của Hà Giang là việc khai thác du lịch quá cảnh sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), quan hệ du lịch và thương mại hai chiều nếu được mở ra sẽ góp phần đáng kể và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Cổng TTĐT tỉnh