10:27, 07/03/2024
BHG – Tròn 10 năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) triển khai trên địa bàn huyện Quang Bình đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tăng cường nguồn lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân gắn bó với rừng.
Huyện Quang Bình thuộc vùng đồi núi thấp của tỉnh. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp, các ngành, huyện đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển KT – XH. Trong đó, phát triển kinh tế rừng được xác định là tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Với diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất tương đối lớn, động vật, thực vật trên những cánh rừng nguyên sinh rất đa đạng, phong phú, gồm nhiều loài, họ khác nhau, nhiều lâm sản, dược liệu quý. Việc khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, bảo vệ và phát triển rừng trồng không ngừng được tăng lên.
Người dân thôn Vén, xã Tân Trịnh (Quang Bình) đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. |
Nhận thức về vai trò của rừng, UBND huyện Quang Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan phối hợp triển khai, thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó, các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp từ rừng. Đặc biệt, huyện có những chính sách khuyến khích phát triển kinh tế dưới tán rừng, trồng một số cây dược liệu có giá trị cao như: Thảo quả, Sa nhân tím, giúp người dân tạo thêm sinh kế bền vững.
Với phương châm “Lấy rừng để nuôi rừng”, giai đoạn 2013 – 2023, huyện đã tiếp nhận trên 45 tỷ đồng từ DVMTR để hỗ trợ chi trả cho đơn vị được giao làm đầu mối cấp huyện; hoạt động quản lý, bảo vệ rừng của UBND cấp xã và chi trả cho cộng đồng dân cư, thôn, tổ nhận khoán bảo vệ rừng. Số tiền chi trả DVMTR cho cộng đồng dân cư, thôn, tổ chiếm tỷ lệ cao nhất. Riêng năm 2023, toàn bộ 15 xã, thị trấn được chi trả DVMTR thuộc kế hoạch năm 2022 với số tiền 7,6 tỷ đồng. Tổng diện tích rừng có cung ứng DVMTR hiện nay đạt hơn 47.000 ha.
Đối với tiền DVMTR của cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố, sau khi nhân dân họp bàn, thống nhất đã trích một phần kinh phí để trả ngày công lao động cho các thành viên Tổ tuần tra, bảo vệ rừng. Số còn lại được sử dụng để làm vườn ươm giống cây lâm nghiệp và mua cây giống trồng rừng tập trung, phân tán tại các thôn, bản; hỗ trợ xây dựng, tu sửa các công trình đường bê tông nông thôn, trụ sở thôn, kênh mương nội đồng; đưa vào quỹ thôn phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua các đợt kiểm tra, giám sát, việc chi trả tiền DVMTR được tiến hành đầy đủ, đúng đối tượng, công khai và minh bạch.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng và cộng đồng dân cư, chính sách chi trả DVMTR được đánh giá là bước đột phá trong việc giải quyết nhiều vấn đề nhằm nâng cao chất lượng rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế hạn hán, lũ lụt, tạo thêm nguồn thu nhập cho người làm nghề rừng, góp phần thực hiện hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Cũng nhờ công tác quản lý rừng từng bước đi vào nền nếp đã ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về lâm nghiệp, khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng rừng. Để rừng được bảo vệ và người dân được hưởng lợi lớn hơn từ rừng, huyện đang tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nâng cao giá trị rừng, giữ cho những cánh rừng tự nhiên và rừng trồng ngày càng phủ màu xanh bạt ngàn – Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình khẳng định.
Bài, ảnh: MỘC LAN