14:56, 19/08/2023
BHG – Khi tờ lịch chuyển sang tháng Tám, đất trời vào Thu cũng là lúc hàng triệu trái tim người con đất Việt nói chung, đồng bào các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc nói riêng lại trào dâng niềm tự hào về mùa Thu cách mạng – mùa Thu của 78 năm về trước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã đoàn kết, đồng lòng Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 toàn thắng, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập và chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử vẻ vang
Ngược dòng lịch sử, ngày 9.3.1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị BTV T.Ư mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa; Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Từ tháng 4.1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ trong cả nước.
Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia – Tiểu khu Trọng Con, xã Bằng Hành (Bắc Quang) là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. |
Đầu tháng 5.1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Đến tháng 8.1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Chỉ trong 15 ngày cuối tháng 8.1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Để rồi ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình rực nắng ban mai, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Hòa cùng khí thế cách mạng sục sôi của cả nước, tinh thần đấu tranh giành độc lập của đồng bào các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc khi ấy cứ như ngọn lửa được tiếp thêm dầu, bùng lên mạnh mẽ. Từ một vài cơ sở ở các thôn, bản hẻo lánh thuộc huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, phong trào cách mạng không ngừng mở rộng tới nhiều thôn để hình thành một vùng cách mạng rộng lớn, quy tụ hàng vạn quần chúng nhân dân tham gia. Lịch sử ghi lại: Ngày 10.9.1945, lực lượng cách mạng tiến vào giải phóng Yên Minh; đến tháng 11.1945 lần lượt giải phóng các huyện: Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quản Bạ và ngày 8.12.1945 giải phóng thị xã Hà Giang. Đặc biệt, ngày 25.12.1945, Đảng bộ tỉnh được thành lập, ghi dấu son sáng trên chặng đường lịch sử của nhân dân các dân tộc Hà Giang. Từ đây, đồng bào các dân tộc trong tỉnh có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo, soi đường, dẫn lối trên con đường đấu tranh chống chế độ áp bức, bóc lột của bọn thực dân, phong kiến, thổ ty, đưa người dân từ nô lệ trở thành người làm chủ và từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Hào khí soi đường
Lịch sử đã chứng minh, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta; được hun đúc bởi tinh thần yêu nước nồng nàn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tinh thần cách mạng tháng Tám quật khởi ấy tác động mạnh mẽ đến đồng bào các dân tộc Hà Giang; trở thành ngọn đuốc sáng, mạch nguồn bất tận, tạo thế và lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, vì Hà Giang phát triển.
Diện mạo thành phố Hà Giang ngày càng khang trang, hiện đại. |
Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh đã trải qua 17 kỳ Đại hội. Từ 5 đảng viên do Xứ ủy Bắc kỳ cử đến (tháng 12.1945); đến nay, toàn tỉnh có hơn 73.500 đảng viên, 844 tổ chức cơ sở Đảng, 3.743 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở. Thực hiện công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng bộ tỉnh cùng truyền thống đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh; cần cù trong lao động, sản xuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tỉnh ta đã và đang từng ngày lập nên những thành tựu mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Minh chứng điển hình cho thấy, nhiều tiềm năng phát triển KT-XH, bản sắc văn hóa của 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh được phát huy. Ấn tượng trong đó, du lịch Hà Giang có nhiều khởi sắc, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Cột cờ Quốc gia Lũng Cũ; đỉnh Mã Pì Lèng – một trong tứ đại đỉnh đèo đẹp nhất Việt Nam; Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn; Căng Bắc Mê – địa chỉ đỏ bên dòng sông Gâm; Tiểu khu cách mạng Trọng Con – cái nôi của cách mạng Hà Giang hay Mặt trận Vị Xuyên – biểu tượng sáng ngời về tinh thần người lính “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” để bảo vệ vẹn toàn chủ quyền biên giới quốc gia… Và nay, hình ảnh về vùng đất, con người Hà Giang ngày càng đẹp hơn, ấn tượng hơn trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Năm năm 2022, Hà Giang đón gần 2,3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 4.500 tỷ đồng; dự kiến năm 2023 có khoảng 3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Hà Giang còn góp mặt trong danh sách 17 điểm du lịch hàng đầu Việt Nam do báo nước ngoài bình chọn và được Giải thưởng Du lịch Thế giới – World Travel Awards đề cử bình chọn tại hạng mục “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”.
Nghệ thuật Khèn Mông được gìn giữ, phát huy tạo trải nghiệm văn hóa ấn tượng với du khách trong nước và quốc tế. |
Cùng với kết quả trên, từ một tỉnh khó khăn nhất cả nước, đến nay, diện mạo Hà Giang hoàn toàn đổi khác: KT-XH không ngừng phát triển; cơ sở kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; giao thông phát triển; trình độ dân trí ngày càng nâng cao; QP-AN được củng cố và giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng; chất lượng cuộc sống của đại bộ phận đồng bào các dân tộc trong tỉnh được cải thiện. Giai đoạn 2021 – 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 5,94%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,66%. Đặc biệt, toàn tỉnh có 1 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM) là thành phố Hà Giang; 48/175 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Phương Thiện – thành phố Hà Giang). Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh còn 49,95%, dự kiến hết năm 2023, tỷ lệ này giảm còn 45,75%.
Với hào khí mùa Thu cách mạng tháng Tám cùng truyền thống vẻ vang của quê hương; hiện nay, tỉnh ta tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, sự đồng lòng, hiệp lực giữa các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên vì mục tiêu phấn đấu xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có KT-XH phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG