CGTĐT – Hà Giang được biết đến với những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn, trải dài trên các sườn núi. Hoa tam giác mạch không chỉ là điểm nhấn và biểu tượng của Cao nguyên đá, giờ đây hạt tam giác mạch còn được chế biến thành nhiều sản phẩm đặc trưng thu hút du khách, trong đó có rượu tam giác mạch.
Hạt tam giác mạch và men lá được dùng để ủ rượu.
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ngô thì cây tam giác mạch lại được trồng gối vụ rất nhiều, trở thành một biểu trưng của du lịch Hà Giang. Thân cây non thì có thể làm rau ăn, hoa có màu trắng phớt hồng dành cho du khách chiêm ngưỡng và chụp ảnh, hạt dùng để làm bánh và chưng cất thành rượu.
Rượu tam giác mạch được đồng bào Mông nấu từ hơn chục năm trở lại đây. Rượu được nấu theo tỉ lệ một phần hạt tam giác mạch và hai phần ngô, người nấu sẽ chọn những hạt tam giác mạch đẹp và đều, nấu chín rồi kết hợp với hạt ngô chắc và mẩy xay vỡ và bung cho chín. Bước tiếp theo, hạt tam giác mạch và hạt ngô chín sẽ được trộn cùng một loại men lá truyền thống của người dân bản địa và được ủ trong chum khoảng 15 ngày để thành rượu cái, sau đó trưng cất rượu giống như các loại rượu thông thường. Để đạt được hương vị thơm ngon nhất, sau khi nấu xong rượu còn được mang đi hạ thổ dưới lòng đất theo phong tục của người đồng bào dân tộc Mông trong khoảng một đến hai năm mới đem lên dùng. Khi nấu rượu tam giác mạch người Mông quan niệm rằng chỉ có những người đàn ông mới có thể ủ được thứ rượu thơm ngon và nồng vị hơn cả.
Rượu tam giác mạch có màu trong suốt, hương vị đặc trưng riêng.
Rượu tam giác mạch có màu trong suốt, hương vị đặc trưng riêng hơi lẫn chút ngọt và mùi hương của hạt mạch, nồng độ của rượu ko cao, uống êm hơn so với các loại rượu thông thường. Rượu tam giác mạch được dùng trong tất cả những dịp lễ quan trọng đến cuộc sống hàng ngày của đồng bào người Mông. Đến với Cao nguyên đá bạn có thể dễ dàng bắt gặp rượu tam giác mạch trong các phiên chợ, trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, mọi người gặp gỡ nhau cùng nâng chén rượu ấm, nhấm nháp chút thắng cố, mèn mén… cảm thấy thật ấm áp và thi vị biết bao.
Rượu tam giác mạch đạt tiêu chuẩn chất lượng OCOP 4 sao của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng.
Tại Cao nguyên đá, rượu tam giác mạch được các gia đình nấu thủ công vừa để uống và bán lẻ cho khách du lịch đến tham quan, đơn vị sản xuất tiêu biểu loại rượu này là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng, thôn Há Chế, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng OCOP 4 sao năm 2020.
Với sự phát triển nhanh của du lịch Hà Giang thì nhu cầu sản phẩm quà tặng đa dạng, phong phú ngày càng được chú trọng hơn. Ngoài các sản phẩm đã được biết đến nhiều như: Bánh tam giác mạch, mật ong Bạc Hà, thịt treo gác bếp… thì rượu tam giác mạch cũng đang trở thành một trong những sản phẩm quà tặng mà du khách hướng tới trong thời gian vừa qua.
Nguồn: https://hagiang.gov.vn/du-lich/ruou-tam-giac-mach-huong-men-say-mien-cao-nguyen-da-608938