09:11, 15/01/2024
BHG – Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng miền núi là nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về trồng dược liệu, ngày càng có nhiều hộ dân ở Quyết Tiến tham gia trồng dược liệu theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống, xây dựng Nông thôn mới.
Hiện nay, nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm dược liệu ngày càng cao, do vậy các doanh nghiệp, HTX đã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm dược liệu tại xã Quyết Tiến như HTX công nghệ thương mại nông, lâm nghiệp 5 ngôi sao ở thôn Bó Lách. Chị Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu trồng dược liệu từ năm 2019, được công ty cung cấp giống cây Bông mã đề Nhật Bản về trồng, lá to, đẹp, cây cho năng suất cao. Sau một vài vụ trồng có hiệu quả, nhà tôi bắt đầu tìm cách mở rộng quy mô sản xuất bằng cách liên kết với các hộ trong vùng để trồng cây Bông mã đề và thu mua cho bà con. Hiện nay nhà tôi trồng khoảng 7.000 m2 diện tích cây Bông mã đề và liên kết với 8 hộ trồng được hơn 2 ha loại cây này”.
Diện tích trồng cây Bông mã đề của hộ chị Nguyễn Thị Luyến, HTX công nghệ thương mại nông, lâm nghiệp 5 ngôi sao, xã Quyết Tiến (Quản Bạ). |
Theo chị Luyến, đây là loại cây dễ tính, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, chỉ cần trồng khoảng 6 – 8 tháng là được thu hoạch, đến khi cây trưởng thành thì trung bình 2 tháng được cắt lá 1 lần. Cách chăm sóc rất đơn giản, chỉ cần bón phân chuồng, NPK là cây phát triển tốt. HTX thu hái lá Bông mã đề bán cho công ty TNHH xuất, nhập khẩu hàng truyền thống Hà Nội thu mua với giá 4 nghìn đồng/kg. Trung bình 1 ha cho thu hoạch khoảng 1 tấn lá, mỗi năm cho thu về 180 triệu đồng/ha. Thấy hiệu quả của cây Bông mã đề nhiều hộ đã chuyển sang trồng cây dược liệu vì vừa có thu nhập khá, vừa không phải lo đầu ra. Ông Vàng Páng Sèn, một hộ tham gia trồng dược liệu theo chuỗi liên kết ở xã chia sẻ: “Trồng dược liệu cho thu nhập cao gấp 2 – 3 lần so với trồng ngô, lúa truyền thống. Hơn nữa trồng loại cây này không cần phải lo đầu ra cho sản phẩm, trồng ra đến đâu là bán hết đến đấy nên nông dân cũng thấy nhàn hơn”.
Hiện nay, diện tích cây dược liệu trên địa bàn xã Quyết Tiến là 412 ha, trong đó diện tích trồng mới trong năm nay là 220 ha; chủ yếu là các loại cây như: Đương quy, Sâm đất, Bông mã đề, gừng, nghệ, Ngũ gia bì… Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến Nguyễn Văn Tuân cho biết: “Để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn, thực hiện đạt các chỉ tiêu, kế hoạch huyện giao, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, Ban quản lý các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân và HTX thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện về phát triển cây dược liệu theo quy trình kỹ thuật. Đồng thời chỉ đạo cán bộ chuyên môn nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp”.
Trước khó khăn trong việc trồng dược liệu hiện nay là diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, rải rác ở cấp hộ gia đình; nguồn cung cấp giống hạn chế thì cách liên kết trồng dược liệu ở Quyết Tiến là một hướng đi giúp giải quyết được vấn đề tìm cây giống chất lượng tốt, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời giúp xã tái cơ cấu cây trồng, giảm số lượng các hộ trồng rau, tránh được tình trạng có quá nhiều hộ cùng sản xuất một sản phẩm nông nghiệp, gây khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản. Qua đó, thay đổi thói quen, nhận thức của nhân dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phối hợp chặt chẽ với HTX triển khai trồng cây dược liệu, rau, củ, quả theo mô hình liên kết sản xuất.
Bài, ảnh: LÊ HẢI