12:49, 11/08/2023
BHG – Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng KT – XH, nhưng tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những rào cản, nút thắt; nắm bắt thời cơ, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đặc biệt, huy động và cân đối nguồn lực tạo đột phá giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII.
Tạo đà bứt phá
Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Xác định việc huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT – XH, đặc biệt là hạ tầng giao thông để tăng cường khả năng kết nối liên tỉnh, liên vùng là nhiệm vụ quan trọng, ngành Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Nghị quyết số 13 của BTV Tỉnh ủy về thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 22 của BCH Đảng bộ tỉnh về đột phá kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030; tham mưu ban hành nhiều chương trình, nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lương Văn Đoàn cho biết: Đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai lập, hoàn thành trình Hội đồng thẩm định quốc gia, HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, tham mưu các nội dung về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh bảo đảm tính đột phá và khả thi, theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Triển khai hiệu quả việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm và hàng năm, góp phần giúp kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021 – 2023 đạt 5,94%.
Được biết, giai đoạn 2021 – 2023, UBND tỉnh huy động, cân đối, phân bổ nguồn lực và đạt kết quả tích cực trong huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển KT – XH. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 39,6 nghìn tỷ đồng, đạt 72,1% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; trong đó, vốn đầu tư của nhà nước ước đạt trên 14,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Để thực hiện khâu đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã bố trí nguồn vốn ngân sách T.Ư trên 5,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 68,4% so với tổng vốn, đầu tư cho 37 dự án giao thông. Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đã bố trí cho 473 công trình giao thông với tổng vốn trên 1,5 nghìn tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh chia sẻ: Từ nguồn vốn đầu tư đã giúp tạo đà bứt phá kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, nâng quy mô, cấp đường bền vững và hiệu quả. Xác định rõ vai trò của giao thông, tỉnh tập trung, ưu tiên, huy động nguồn lực thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối lan tỏa, giao thông đối ngoại như: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn I, đoạn qua tỉnh Hà Giang); nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 279; ĐT.177 (Bắc Quang – Xín Mần), ĐT.178 (Yên Bình – Cốc Pài), ĐT.176, ĐT.176B (Yên Minh – Mậu Duệ – Mèo Vạc); đề xuất bổ sung sân bay lưỡng dụng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quyết tâm vượt khó
Dự án cải tạo, nâng cấp đường từ Quốc lộ 4C đi cầu Tràng Hương, xã Xín Cái (Mèo Vạc). |
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng lòng của nhân dân; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 80 km đường giao thông tuyến huyện, cứng hóa 947 km đường trục xã, trục thôn và đường nội đồng; 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã; 100% số thôn, bản có đường xe cơ giới đến trung tâm với 1.732 tuyến, tổng chiều dài trên 6.196 km. Phấn đấu đến hết năm 2023, có 82/124 thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn Nông thôn mới…
Tuy nhiên, tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn về thu ngân sách nhà nước, nhất là thu tiền sử dụng đất để huy động đủ nguồn lực cho đột phá hạ tầng giao thông trong nhiệm kỳ 2021-2025 do thị trường bất động sản suy thoái, một số chính sách về đầu tư dự án đô thị có sự thay đổi. Công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu kém, nhất là ở cơ sở; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng tổng mức đầu tư, đội vốn đầu tư dự án…
Giải quyết tình trạng đó, tỉnh tập trung các giải pháp thực hiện khâu đột phá giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu; tăng cường hợp tác, liên kết vùng để thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo động lực phát triển KT – XH nhanh, bền vững; củng cố vững chắc QP – AN. Triển khai hiệu quả các nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao khả năng dự báo tình hình KT – XH hàng năm nhằm xác định rõ nhu cầu và khả năng cân đối, bố trí, thu hút các nguồn vốn đầu tư. Huy động, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, cân đối, lồng ghép tối đa các nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có tính kết nối cao. Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, tập trung nguồn lực cho xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, tạo động lực phát triển KT – XH.
Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án, nhất là các dự án bố trí kế hoạch vốn lớn như: Tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ; nâng cấp các tuyến đường tỉnh; đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông biên giới; đảm bảo 100% các thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn Nông thôn mới.
“Tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; nâng cao vai trò giám sát, đánh giá đầu tư trong hoạt động quản lý đầu tư, nhất là hoạt động quản lý sau đầu tư và hiệu quả sau đầu tư. Công khai, minh bạch thông tin, tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra; phòng, chống tham nhũng, thất thoát trong đầu tư công cũng như các dự án giao thông. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông” – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lương Văn Đoàn cho biết thêm.
Bài, ảnh: KIM TIẾN