15:35, 22/11/2023
BHG – Sản phẩm cam Sành Hà Giang đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, sự phát triển của cây cam cũng có nhiều thăng trầm do thiếu sự quan tâm, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại khiến diện tích cam giảm mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải quan tâm tới công tác chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại để phát triển bền vững cây cam.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích cam niên vụ 2023 – 2024 đạt 5.824 ha (diện tích cam Sành trên 3.785 ha; cam Vàng 2.039 ha). Trong đó, diện tích cho sản phẩm 5.080 ha, năng suất đạt gần 130/ha, sản lượng đạt trên 66.000 tấn. Từ năm 2021 đến nay có 3.232,5 ha cam của 3.657 hộ bị suy thoái do bị vàng lá, thối rễ. Trong đó, có 1.074,8 ha cam không có khả năng phục hồi; 1.259,5 ha suy thoái mức độ II, gần 900 ha suy thoái mức độ I.
Giai đoạn 2019 – 2022, trên địa bàn tỉnh có 47 cơ sở/3.516,85 ha cam Sành được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022 các giấy chứng nhận đã hết hiệu lực; hiện mới có 6 cơ sở/266,8 ha cam thực hiện chứng nhận lại VietGAP. Trong đó, Bắc Quang 3 cơ sở/186,8 ha; Quang Bình 3 cơ sở/80 ha. Điều này cho thấy đây là tình trạng đáng báo động đối với sự phát triển cây cam của tỉnh.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cùng các chuyên gia kiểm tra vườn cam bị vàng lá, thối rễ tại huyện Bắc Quang. |
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các chuyên gia về cây ăn quả có múi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đánh giá, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp nhằm hạn chế sự suy thoái diện tích cam Hà Giang. Theo đó, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên được xác định phần lớn do người trồng cam thiếu quan tâm, chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng kỹ thuật. Vì vậy, cần sự nhận diện và thực hiện đúng các quy trình chăm sóc, phòng trừ một số loại sâu, bệnh hại thường gặp, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và năng suất của cây cam như: Bệnh Greening (vàng lá gân xanh), Tristeza (bệnh tàn lụi), vàng lá thối rễ và Rầy chổng cánh (Diaphorina citri).
Theo các chuyên gia, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ là cải tạo lại đất trồng, điều chỉnh lại mức đầu tư, không nên lạm dụng quá nhiều vào phân bón vô cơ, thuốc BVTV hoá học, thuốc trừ cỏ và sử dụng giống chưa sạch bệnh. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp Viện nghiên cứu rau quả ban hành Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật (tạm thời) khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ trên cây cam Hà Giang. Nhờ đó, ước tính đến thời điểm hiện nay có khoảng trên 700 ha cam được phục hồi.
Theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, bệnh vàng lá thối rễ, triệu chứng nhận biết khi bệnh mới xuất hiện, lá vẫn bình thường nhưng gân lá có màu vàng nhạt, phiến lá ngả màu vàng, rụng lá. Chất lượng quả kém và rụng sớm. Bệnh nặng có thể làm chết cả cây; nhánh cây bị bệnh hướng nào thì rễ cũng thường bị thối ở hướng đó. Khi bị nặng tất cả rễ đều bị thối đen và chết cây.
Đối với bệnh Greening, lá có màu vàng, ven gân lá còn giữ màu xanh lục, gân nổi, phiến lá hẹp, khoảng cách giữa các lá ngắn lại. Trên lá già: Lá dầy nhám, gân lồi sần sùi và có màu nâu đen, rễ bị thối đặc biệt là rễ tơ; hoa thường ra trái mùa, ít hoa và rụng nhiều; quả ít và có kích thước nhỏ hơn bình thường, bị biến dạng, khi bổ dọc thì tâm quả lệch hẳn sang một bên, hạt trong quả thường bị thối, có màu nâu.
Bệnh Tristeza làm gân trong, hoặc lõm thân nhẹ trên thân, gây vàng, lùn làm giảm năng suất và kích thước quả, cành giòn và dễ gẫy, quả bị vàng từ đáy quả lên cuống và làm rụng quả hàng loạt. Bệnh thường nhiễm vào mùa nắng nhưng sang mùa mưa mới thể hiện triệu chứng rất nặng.
Cả 3 loại bệnh trên đều có chung biện pháp phòng trừ là: Sử dụng giống sạch bệnh; không dùng cây giống từ các vườn đã nhiễm bệnh làm giống. Phương pháp trồng, chăm sóc là xử lý hố trồng cây bằng vôi bột và bón lót bằng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trước khi trồng; tạo tán, tỉa cành để vườn thông thoáng; thường xuyên thăm vườn để phát hiện kịp thời cây bị bệnh; tiêu hủy cây bị bệnh nặng không có khả năng phục hồi sau đó xử lý bằng vôi bột hoặc các chế phẩm sinh học; những khu vực trồng cây có múi bị bệnh nặng nên luân canh cây trồng khác từ 2 – 3 năm; sử dụng bẫy để diệt côn trùng truyền bệnh hoặc thả kiến vàng (Oecophylla smaragdina) trên vườn cây để hạn chế Rầy chổng cánh, Rệp muội là môi giới truyền bệnh.
Biện pháp phòng, chống: Cắt tỉa cành tạo bộ khung thông thoáng, ẩm độ thấp; bón phân cân đối, tưới nước hợp lý, điều khiển cho cây ra các đợt lộc tập trung để hạn chế sự phát triển và gây hại của Rầy chổng cánh; nhổ bỏ, tiêu hủy những cây bị bệnh vàng lá Greening để giảm nguồn bệnh lây lan sang những cây khỏe; thả kiến vàng trên vườn cây; sử dụng bẫy để tiêu diệt; sử dụng dầu khoáng để phun khi cây ra chồi non; sử dụng thuốc BVTV…
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Cây cam là cây trồng hàng hóa chủ lực của tỉnh, được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05 về phát triển bền vững cây cam Sành. Giá trị sản xuất cam của tỉnh hàng năm đạt khoảng 500 tỷ đồng. Đây không chỉ là cây giúp người dân làm giàu mà còn là cây thương hiệu của tỉnh. Vì vậy, để cây cam tiếp tục phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là người trồng cam trong việc thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại.
Bài, ảnh: Lương Hà