17:37, 02/08/2023
BHG – Chiều 2.8, đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm hỏi tình hình sức khỏe các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn quả Hồng châu đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cùng đi có lãnh đạo Sở Y tế.
Như Báo Hà Giang đã đưa tin, liên tiếp trong hai ngày 31.7 và 1.8, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn tiếp nhận 11 cháu nhỏ từ 3 – 12 tuổi trên địa bàn huyện bị ngộ độc do ăn quả Hồng châu, trong đó 7 cháu được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng vì nhiễm độc quá nặng nên đến gần 20 giờ tối 1.8, cháu Sùng Thị Mỷ (9 tuổi), thôn Chua Só, xã Tả Lủng (Đồng Văn) đã tử vong. Chiều tối cùng ngày, sau khi hội chẩn, tiên lượng 3 bệnh nhân nặng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuyển 3 trẻ về Bệnh viện Nhi T.Ư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý thăm hỏi bệnh nhân ngộ độc quả Hồng châu. |
Hiện, tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang điều trị cho 3 cháu gồm: Giàng Thị Mỷ (12 tuổi) và Lầu Mí Nô (7 tuổi), cùng ở thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo và cháu Sùng Thị Máy (7 tuổi), thôn Chua Só, xã Tả Lủng (Đồng Văn). Đánh giá về sức khỏe của 3 trẻ đang nằm điều trị, Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc metanol nặng, gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, nếu để chậm cấp cứu sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng tri giác, bị lơ mơ lúc tỉnh, tình trạng hô hấp kém, đau đầu, đau bụng, tổn thương thị giác… Sau nhiều giờ điều trị tích cực, đến đầu giờ chiều 2.8, tình trạng của 3 trẻ đã tạm thời ổn định, chưa nguy hiểm đến tính mạng. Từ các kết quả xét nghiệm, khám lâm sàng và hội chẩn, tình trạng 3 bệnh nhân cải thiện rõ rệt, tỉnh táo, bớt hiện tượng buồn nôn, nôn, đau đầu, thị giác được cải thiện…
Thăm tình hình sức khỏe các bệnh nhân bị ngộ độc quả Hồng châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao tiền hỗ trợ, ân cần thăm hỏi, động viên các cháu và gia đình yên tâm điều trị. Đồng thời, đề nghị gia đình qua vụ việc cần tích cực tuyên truyền đến người thân, cộng đồng dân cư biết và phòng tránh, không để những vụ việc tương tự xảy ra.
Được biết, 11 cháu nhỏ bị ngộ độc đều là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; gia đình thuộc diện hộ nghèo. Trước hoàn cảnh của các gia đình, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ thuốc, quần áo, thức ăn và hỗ trợ các chuyến xe đưa 1 cháu tử vong về quê và đưa 3 cháu đi điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Cây Hồng châu là loại cây thường mọc ở khu vực núi đá thuộc dạng cây leo. Ở huyện Đồng Văn, cây Hồng châu thường mọc tại địa bàn các xã Tả Lủng, Tả Phìn, Lũng Táo, Ma Lé và thị trấn Đồng Văn. Quả Hồng châu tròn, to gần bằng quả trứng gà, khi chín quả có màu tím và thường chín rộ từ tháng 6 – 8 hàng năm. Hồng châu là loại quả rất độc, khi ăn phải sẽ bị suy hô hấp, trụy tim mạch dẫn đến tử vong. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Qua vụ việc cho thấy, các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, triển khai các biện pháp hiệu quả để tránh tình trạng tái diễn ngộ độc quả Hồng châu.
Tin, ảnh: Kim Tiến