17:35, 14/08/2023
BHG – Với đặc trưng về tiểu vùng khí hậu, tỉnh ta có nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, trở thành điểm tựa vững chắc để phát triển du lịch nông nghiệp. Từ đó, tạo ra những sản phẩm mới, đa dạng, phục vụ nhu cầu của du khách, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Du khách đến thăm, trải nghiệm tại HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì). |
Với 2.196,4 ha ruộng bậc thang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận Di tích Quốc gia, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã tập trung phát triển du lịch theo hướng tạo dựng thương hiệu gắn với di sản ruộng bậc thang. Xây dựng cụm du lịch sinh thái nông nghiệp tại các xã có diện tích ruộng bậc thang nằm trong vùng di tích như: Bản Luốc, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ, Thông Nguyên… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cấy lúa và nuôi cá Chép ruộng, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa tạo thêm dịch vụ trải nghiệm cho du khách. Thực hiện sản xuất theo phương thức “5 cùng” (cùng làm đất, cùng giống, cùng gieo trồng, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch), nhằm tạo cảnh quan đẹp, đặc biệt vào mùa lúa chín để thu hút khách du lịch.
Chị Lê Thị Thu Hương, du khách đến từ Thành phố Hà Nội chia sẻ: Tôi đã đi du lịch Hà Giang nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến huyện Hoàng Su Phì. Cảnh quan thiên nhiên ở đây rất đẹp, đặc biệt là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bám theo các triền đồi. Đến đây vào đúng mùa nước đổ, ngoài được ngắm các thửa ruộng loang loáng nước như những mặt gương soi, tôi còn được tham gia cùng người dân địa phương thực hiện các công đoạn gieo cấy lúa như bừa ruộng, nhổ mạ, cấy. Các homestay luôn chuẩn bị đầy đủ vật dụng làm nông để giúp du khách có thể ra đồng, tự tay làm các công việc đồng áng. Bằng sự háo hức và một chút vụng về, tôi và nhiều du khách khác đã có những kỷ niệm đáng nhớ khi được trực tiếp xuống ruộng, từ đó hiểu hơn công việc của những người nông dân “một nắng hai sương”.
Trồng Dâu tây kết hợp làm du lịch sinh thái ở xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì). |
Tận dụng lợi thế về tiểu vùng khí hậu và thổ nhưỡng, các địa phương đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, tập trung vào 5 cây, gồm: Cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa chất lượng cao, Tam giác mạch và 3 con: Bò Vàng, lợn địa phương, ong Bạc hà. Đồng thời, gắn với phát triển du lịch, tổ chức các chương trình mang đậm màu sắc riêng biệt như Lễ hội hoa Tam giác mạch; Chương trình du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản. Hiện nay, các huyện, thành phố đang chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; nhân rộng các loại hình trang trại hữu cơ; hạn chế sử dụng hóa chất, khôi phục sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương để du khách có thể tham quan và trực tiếp trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp, thưởng thức sản vật của địa phương.
Để tiếp tục khai thác và phát huy các lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng tiểu vùng, tập trung nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ phát triển “5 cây” và “3 con” trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch; thời gian qua, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các Vụ, Viện, các trường đại học của Trung ương, các địa phương nhằm bảo tồn, phục tráng nguồn gen quý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các khâu sản xuất giống để cung ứng giống tốt, chất lượng cao cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát triển và tạo ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Áp dụng tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn xuất khẩu khác); gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng công nghệ số, sàn giao dịch điện tử để du khách và người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn.
Để phát triển du lịch nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững, thời gian tới các địa phương cần tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, điện, nước sạch; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp chất lượng cao và nhân lực phục vụ du lịch. Chú trọng công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên tài nguyên nông nghiệp, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể. Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành hình thành các tour, tuyến du lịch chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc trưng gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, để nâng cao giá trị sản phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và du khách. Chú trọng hoạt động bảo vệ môi trường và xúc tiến, quảng bá điểm đến, góp phần thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, mang lại sức sống mới ở khu vực nông thôn.
Bài, ảnh: YÊN HOA