14:35, 08/09/2024
BHG – Trong thời đại ngày nay, nguồn tài nguyên, của cải đích thực và quý giá nhất của mỗi quốc gia chính là con người. Vì vậy, mục đích phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, xét đến cùng, phải vì con người, cho con người, tạo môi trường thuận lợi để con người có cuộc sống hạnh phúc, có sức khoẻ và có cơ hội phát huy mọi năng lực sáng tạo. Nhận thức được điều đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định vai trò đặc biệt của nhân tố con người với tính cách là động lực của sự phát triển xã hội, của sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi sự phát triển và coi việc phát huy nhân tố con người là một trong những nhiệm vụ chiến lược. Do đó, Đảng ta đã có nhiều quan điểm, chủ trương đúng đắn về phát huy nhân tố con người. Quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy nhân tố con người có sự phát triển theo hướng ngày càng rõ nét và hoàn thiện hơn qua mỗi thời kỳ Đại hội.
Với mục tiêu xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi con người là nhân tố trung tâm của quá trình phát triển. Con người là mục tiêu cũng là nguồn lực và động lực to lớn cho quá trình phát triển đất nước. Việc coi trọng nhân tố con người được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; kết hợp nhuần nhuyễn với lý luận về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Cũng từ chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân này, Đảng đã tập hợp được lực lượng to lớn từ nhân dân và ủng hộ của bạn bè quốc tế để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đạt được những thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong thời điểm đất nước đứng trước những bước ngoặt lịch sử: xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là chủ đạo nhưng đang đứng trước những khó khăn, trở ngại; cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động to lớn đối với thế giới trên tất cả các lĩnh vực như: tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh và trao đổi thương mại, sinh hoạt và đời sống của mỗi thành viên trong cộng đồng quốc tế. Những vấn đề toàn cầu tiếp tục đặt ra những thách thức rất lớn đối với nhân loại như an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống… và rõ ràng nhất là vấn đề kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu hiện nay.
Để giải quyết những thách thức trên đây, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, nhân tố con người được Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh và xác định là mục tiêu và nguồn lực, động lực to lớn của quá trình phát triển đất nước.
Xác định con người là mục tiêu của quá trình phát triển, Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm quyền con người; trong đó nêu rõ cần: Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Trước hết, phải thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; trong đó, vấn đề “dân giám sát, dân thụ hưởng” là nội dung mới thể hiện rất rõ tính thiết thực đối với quyền làm chủ của nhân dân.
Vấn đề quyền con người còn được thể hiện rất rõ trong định hướng và nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ngoài việc yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, việc nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân cũng là chủ trương rất đáng chú ý trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước. Bên cạnh đó, việc cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, ..cũng thể hiện rất rõ việc đảm bảo quyền con người. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…Việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân có một ý nghĩa rất quan trọng góp phần xây dựng môi trường đảm bảo cho sự bình đẳng, công bằng đối với mọi thành viên trong xã hội.
Để hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; từng bước giải quyết các mục tiêu phát triển con người toàn diện, Đảng ta cũng xác định, nhân tố con người chính là nguồn lực và động lực to lớn quyết định đến việc thực hiện mục tiêu đó.
Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã xác định quan điểm phát triển: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… của nền văn hóa và con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thành động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
Mục tiêu phát triển con người thể hiện rất rõ những giá trị nhân văn của xã hội XHCN đã khẳng định tính đúng đắn của con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; và ngày nay chúng ta đang kiên trì thực hiện. Chính giá trị nhân văn cao cả ấy là cội nguồn sâu xa của sức mạnh, là động lực to lớn để dân tộc Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách nghiệt ngã của lịch sử, đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhìn từ thực tiễn sinh động của tình hình thế giới ngày nay, thiết nghĩ những giá trị tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã xây dựng có lẽ cũng là niềm khao khát chung của nhân loại tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới. Nó khẳng định: sự nghiệp phát triển do con người và hướng tới muc tiêu giải phóng con người, phát triển con người. Phải chăng, đó là những giá trị bền vững nhất trong một thế giới đầy biến động như ngày nay.
Nguyễn Thị Hồng (Trường Chính trị Hà Giang)
Nguồn: https://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202409/phat-huy-nhan-to-con-nguoi-theo-tinh-than-dai-hoi-lan-thu-xiii-cua-dang-0166cde/