13:20, 04/08/2023
BHG – Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm địa giới hành chính của 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… Với tổng hòa, đa dạng các giá trị địa chất, địa mạo kiến tạo, văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học đã hội tụ đủ các yếu tố để trở thành Công viên Địa chất (CVĐC) quốc tế. Trải qua 14 năm xây dựng và phát triển, CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang làm điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt đã góp phần quan trọng định vị thương hiệu du lịch Hà Giang, để Hà Giang trở thành điểm đến thứ 25 trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn, đồng thời hướng đến danh hiệu “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương do World Travel Awards (WTA) tổ chức.
Nghề đan lát truyền thống của người Cờ Lao ở Sính Lủng (Đồng Văn) góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá. Ảnh: PV |
Trong quá trình phát triển, Hà Giang đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn theo hướng bền vững. Trong đó đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC, tổ chức thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CVĐC; ban hành các kế hoạch khung dài hạn, hàng năm, kế hoạch chi tiết triển khai từng nội dung, từng nhiệm vụ, các đề án chuyên đề để bảo vệ và phát triển CVĐC. Đặc biệt, Hà Giang đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển vùng CVĐC gồm quy hoạch về bảo tồn di sản văn hóa, địa chất, quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia, quy hoạch xây dựng CVĐC. Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã nâng cao trách nhiệm lãnh, chỉ đạo, đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển CVĐC vào nội dung văn kiện các kỳ đại hội, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của ngành, địa phương. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đa dạng hóa tuyên truyền, chú trọng đến các đối tượng từ học sinh đến các già làng, trưởng bản; tiếp cận các hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội để nâng cao nhận thức cộng đồng. Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị CVĐC. Phối hợp với các chuyên gia điều tra, khảo sát lập hồ sơ xếp hạng 45 điểm di sản địa chất, di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu của quá trình kiến tạo địa chất và bản sắc văn hóa của cộng đồng 17 dân tộc trong vùng. Tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ di sản, phục dựng di sản, truyền dạy di sản; tổ chức khoanh vùng bảo vệ di sản theo các quy định của pháp luật. Cùng với đó, Hà Giang chú trọng bảo tồn các làng văn hóa du lịch với kiến trúc truyền thống nếp sinh hoạt, phương thức canh tác sản xuất độc đáo, hấp dẫn.
Tập trung nguồn lực tổ chức cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, quy hoạch lại hệ thống bãi đỗ xe, sơn lại vạch kẻ đường, cải tạo hệ thống nhà vệ sinh, sắp xếp khu vực bán hàng, dịch vụ tại một số điểm di sản. Các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện trên khu vực CVĐC được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp giao thông đi lại tương đối thuận tiện. Tổ chức đầu tư xây dựng 4 Trạm thông tin du khách tại các huyện vùng CVĐC gắn với 4 tuyến du lịch: Hành trình lên nơi khởi nguồn sự sống; Giai điệu cuộc sống trên miền đá; Hành trình đến tự hào và hạnh phúc; Hành trình đến với tương lai xanh. Đầu tư xây dựng Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc Đồng Văn. Đầu tư gần 100 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao cải thiện đời sống nhân dân, tạo nguồn lương thực sạch phục vụ du khách, tăng thu nhập cho người dân yên tâm sống trên đá, thoát nghèo từ đá và làm giàu trên đá…
CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn đã đánh dấu mốc quan trọng trong mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Đặc biệt đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản CVĐC trong những năm qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng, miền trong tỉnh và trong nước. Xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của CVĐC góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng công viên là một nhiệm vụ quan trọng. Định hướng chuyển đổi ngành nghề hướng tới phát triển du lịch và một nền nông nghiệp phục vụ du lịch có chuyển biến. Các sản phẩm phục vụ du lịch được sản xuất và tiêu thụ với số lượng và chất lượng cao hơn. Thông qua các hoạt động dịch vụ, góp phần tạo sinh kế cho cộng đồng 17 dân tộc trên vùng công viên mở ra hướng đi bền vững trong công tác giảm nghèo. Các dân tộc tự tin hơn, mạnh dạn hơn, yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm học tập, lao động, sản xuất phát triển kinh tế xây dựng quê hương đất nước. Nhiều cơ hội làm giàu phát triển được hiện thực hóa trên quê hương miền đá. Sở hữu nhiều loại hình di sản, đặc biệt là di sản địa chất đã mở ra cơ hội lớn cho sự triển kinh tế du lịch, đây là hướng đầu tư ưu tiên trong khai thác CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Hiện, Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Nếu lượng khách du lịch đến với Hà Giang năm 2010 là 301.334 lượt; doanh thu du lịch dịch vụ chỉ đạt 308.900 triệu đồng thì đến năm 2022, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt 2.268.000 lượt, trong đó 70% lượt khách du lịch đến với CVĐC, doanh thu du lịch dịch vụ đạt 4.536.000 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2023 đón trên 1,4 triệu khách (tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,7% kế hoạch năm 2023), doanh thu du lịch đạt trên 3.300 tỷ đồng. Với sự nỗ lực quyết tâm của tỉnh Hà Giang, CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục giữ vững danh hiệu, đóng góp quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nguyễn Hoài (Sở Văn hóa, TT&DL)