11:02, 22/01/2025
BHG – Hàng loạt vườn cam chết trắng kèm theo những bất cập trong công tác trồng, chăm sóc, chế biến… đang kìm hãm sự phát triển bền vững của cam Sành. Thực tế này đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ để đưa cam Sành Hà Giang trở thành thương hiệu mạnh trên bản đồ nông sản Việt.
Kỳ 1: “Nút thắt” trong sản xuất cam Sành
Cam Sành là cây trồng chủ lực, nông sản đặc sản nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Nhưng những năm gần đây, cam Sành phải đối mặt với bệnh hại khiến hàng nghìn ha bị “xóa sổ”. Thêm vào đó, không ít diện tích cam bị bỏ ngỏ khi hết giá trị hiệu lực của giấy chứng nhận VietGAP…
4 năm “xóa sổ” gần 4.500 ha cam
Nhiều vườn cam Sành tại xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) phải chặt bỏ do nhiễm bệnh vàng lá, khô đầu cành. |
Cam Sành được phân bố tập trung tại 38 xã, thuộc 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Năm 2021 là thời kỳ phát triển đỉnh cao của cây cam Sành khi tổng diện tích lên đến gần 7.100 ha; trong đó, diện tích cho sản phẩm đạt hơn 5.000 ha, năng suất bình quân 119 tạ/ha, sản lượng trên 59.500 tấn, mang lại giá trị sản xuất hơn 1.000 tỷ đồng (chiếm 7,26% giá trị ngành Nông nghiệp).
Tuy nhiên, theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020 của UBND tỉnh và Nghị quyết 04, ngày 1.12.2020 của BTV Tỉnh ủy về phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đều đặt mục tiêu duy trì ổn định diện tích cam Sành toàn tỉnh là 5.000 ha. Như vậy, so với định hướng thì năm 2021, diện tích cam Sành tăng gấp 1,4 lần so với mục tiêu đề ra. Điều này khiến cung vượt cầu, để lại nhiều hệ lụy khi mùa thu hoạch phải kêu gọi “giải cứu” cam Sành; đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây cam khi phải cạnh tranh dinh dưỡng giữa quả chưa kịp thu hoạch và hoa, quả mới của vụ sau.
Cũng từ năm 2021 đến nay, suy thoái dinh dưỡng đất cùng các bệnh như: Nấm, tuyến trùng hại rễ, vàng lá, khô đầu cành bùng phát khiến cam Sành chết hàng loạt. Niên vụ 2024- 2025, cam Sành chỉ còn 2.612 ha, sản lượng khoảng 27.340 tấn. Như vậy, chỉ trong 4 năm, diện tích cam Sành giảm gần 4.500 ha, kéo theo sản lượng giảm hơn 32 nghìn tấn. Bắc Quang là thủ phủ cam Sành của tỉnh, từng chạm mốc hơn 4.000 ha nhưng nay cũng chỉ còn trên 1.600 ha. Tương tự, huyện Quang Bình còn trên 900 ha và Vị Xuyên chỉ còn gần 77 ha.
Ông Hoàng Quyết Thắng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất cam VietGAP, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) đã có hơn 30 năm gắn bó với cây cam Sành, giọng trĩu nặng: “Năm 2014, HTX được thành lập với sự tham gia của 16 thành viên. Chúng tôi có 87 ha cam Sành VietGAP, mang lại nguồn thu nhập bình quân 350 triệu đồng/thành viên/năm. Nhưng năm 2021, bệnh vàng lá, khô đầu cành xuất hiện khiến HTX thiệt hại chỉ còn hơn 10 ha cam Sành; 4 thành viên thôi không tham gia HTX vì không còn một cây cam nào!”. Ông Thắng chia sẻ thêm: “Gia đình tôi có 12 ha cam Sành, nay chỉ còn chưa đầy 3 ha. Trong 9 ha cam bị chết, chỉ có 2 ha chưa chuyển đổi cây trồng, còn lại, gia đình tôi chuyển sang trồng 5 ha keo, 2 ha hoa màu. Dẫu biết đây là sự thích nghi để tiếp tục canh tác nhưng trong lòng tôi vẫn tiếc những vườn cam khi xưa lắm!”.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Giang Đức Hiệp cho biết: Có 3 nguyên nhân chính gây suy thoái vùng cam gồm: Sử dụng giống không đảm bảo; quá trình trồng, chăm sóc cây cam chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật; xuất hiện sâu bệnh hại. Hiện nay, vùng cam Hà Giang có 18 loài sâu và 10 loại bệnh gây hại. Trong đó, vàng lá thối rễ, Tristezra, Greening là 3 bệnh nguy hiểm hàng đầu, gây nên tình trạng suy thoái vùng cam, làm giảm năng suất từ 20,2% – 26,6%. Trước thực tế này, nhiều nhà vườn đã chủ động chặt bỏ cây cam Sành, trồng mới cây ăn quả có múi hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác như quế, giang, keo…
Đứt đoạn… VietGAP
Hàng nghìn ha cam Sành hết hiệu lực VietGAP nhưng các chủ thể chưa làm thủ tục đăng ký cấp lại. |
Tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 47 cơ sở và 2.355 hộ sản xuất cam Sành theo quy trình VietGAP với tổng diện tích gần 3.500 ha (chiếm trên 70% diện tích cam cho thu hoạch). Trong đó, nhiều nhất là huyện Bắc Quang với 2.423 ha/1.544 hộ/32 cơ sở, tiếp đến là huyện Quang Bình với 100,4 ha/623 hộ/13 cơ sở, huyện Vị Xuyên có 90,11 ha/188 hộ/2 cơ sở.
Kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn cho thấy: Các cơ sở có diện tích cam Sành được chứng nhận VietGAP đều duy trì và tuân thủ tốt quy định theo tiêu chuẩn áp dụng trong sản xuất. Ông Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội cam Sành Hà Giang chia sẻ: “Cam Sành VietGAP là sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này vừa giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vừa thúc đẩy phát triển bền vững, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, tăng uy tín cho thương hiệu cam Sành Hà Giang. Hơn nữa, chứng nhận cam Sành VietGAP chính là yêu cầu bắt buộc để tiếp cận hệ thống siêu thị và là “giấy thông hành”, “tấm vé vàng” để có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính, nhất là xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, Hà Giang có khoảng 700 tấn cam tươi, thời điểm nhiều lên đến hơn 1.000 tấn được bày bán tại các hệ thống siêu thị lớn như WinMart, Big C với giá bán từ 22 – 25 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với thị trường truyền thống”.
Việc triển khai đồng bộ xây dựng Chỉ dẫn địa lý cam Sành Hà Giang và áp dụng sản xuất VietGAP đã góp phần quan trọng khai thác hiệu quả quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giữ vững thương hiệu cam Sành Hà Giang; nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có 324,2 ha cam Sành có chứng nhận VietGAP còn hiệu lực gồm: 286 ha/112 hộ/4 cơ sở tại huyện Bắc Quang và 55 ha/18 hộ/2 cơ sở tại huyện Quang Bình.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Vi Quang Ngọc cho biết: Trong tổng số gần 3.200 ha cam Sành hết hiệu lực VietGAP thì phần lớn là diện tích bị chết do nhiễm bệnh hại. Những diện tích còn lại, người dân không tự giác xin cấp lại giấy chứng nhận VietGAP bởi nhiều lý do như: Ngại tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt của VietGAP, nhất là ghi chép nhật ký chăm sóc, thu hoạch; thị trường tiêu thụ, tính cạnh tranh giữa sản phẩm VietGAP và sản phẩm sản xuất truyền thống chưa cao. Hơn nữa, Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí để chứng nhận 1 lần (thời hạn chứng nhận VietGAP là 36 tháng), từ lần thứ 2 trở đi do các chủ thể tự chủ động kinh phí để đăng ký cấp lại giấy chứng nhận VietGAP (khoảng 116 triệu đồng/100 ha). Nhưng thực tế, nhiều chủ thể còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa chủ động xây dựng quỹ hoặc thiếu năng lực tài chính để duy trì ra hạn VietGAP. Điều này gây tổn thương thương hiệu, ảnh hưởng đến độ tin cậy và uy tín của cam Sành Hà Giang, khiến sản phẩm khó tiếp cận thị trường cao cấp, dễ bị loại khỏi các kênh phân phối uy tín. Mặt khác, sản xuất truyền thống ít quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường sinh thái, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm do lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ sinh học.
Trước thực tế trên, ngành chuyên môn của tỉnh tiến hành khảo sát thực tế, làm việc với cơ quan liên quan để bàn giải pháp duy trì, cấp lại giấy chứng nhận VietGAP đối với diện tích cam Sành đủ điều kiện. Trong đó, ưu tiên doanh nghiệp, HTX có đủ năng lực trong việc xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP; đẩy mạnh tuyên truyền tín dụng chính sách cho vay để sản xuất, kinh doanh; định hướng cho các chủ thể chủ động đề xuất kế hoạch, cam kết duy trì vùng sản xuất cam Sành đã được chứng nhận VietGAP…
Không chỉ có “nút thắt” ở khâu sản xuất mà chế biến cam Sành – mảnh ghép hoàn hảo trong chuỗi giá trị cam cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn, khiến việc nâng tầm giá trị cho loại quả đặc sản này chưa đạt như kỳ vọng.
—————
Kỳ 2: Thách thức bủa vây ngành chế biến cam
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202501/not-tram-cam-sanh-ky-1-nut-that-trong-san-xuat-cam-sanh-9f50199/