09:47, 11/08/2023
BHG – Nghĩa Thuận là xã vùng cao, biên giới của huyện Quản Bạ, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo, quản lý sát với thực tiễn cơ sở của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chung sức đồng lòng, tinh thần cần cù, sáng tạo và ý chí vượt khó đi lên của nhân dân, đến nay diện mạo của xã đã dần đổi thay.
Là một trong những xã vùng 3 của huyện Quản Bạ, xã Nghĩa Thuận có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông và Nùng chiếm 90%. Toàn xã có 9 thôn, với 5 thôn giáp biên có đường biên giới dài 15,247 km.
Cán bộ khuyến nông xã Nghĩa Thuận hướng dẫn người dân chăm sóc cây Hồng không hạt. |
Trong những năm qua, để thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Thuận triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh toàn dân để thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án của huyện về phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng chí Sân Tiến Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết: “Hàng năm xã đưa ra những chỉ tiêu và kế hoạch phát triển cụ thể cho từng loại cây trồng, vật nuôi. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng ngô kém năng suất sang trồng cây ăn quả ôn đới và những cây màu phù hợp; sử dụng các giống mới và tập trung phát triển đàn gia súc. Chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng Nông thôn mới”… Từ đó giúp thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo”.
Với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi, bởi vậy kinh tế nông, lâm nghiệp được xã xác định là chủ lực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp của xã cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng là 1.022 ha; cây ngô 396 ha; rau, đậu các loại 115 ha; cây dược liệu 110 ha…
Được xác định là một trong những loại cây trồng thế mạnh của địa phương có giá trị kinh tế cao, cây Hồng không hạt được quan tâm, mở rộng diện tích. Đến nay, xã đã trồng được 245 ha, trong đó 80 ha đang cho thu hoạch với năng suất ước đạt 45 tạ/ha. Năm 2017, sản phẩm Hồng không hạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này đã mở ra một cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh cũng như nâng cao danh tiếng và bảo vệ những giá trị chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.
Từ việc trồng cây Hồng không hạt, nhiều hộ dân có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, điển hình như gia đình ông Hồ Dền Quẩy, thôn Pả Láng; Mai Xuân Sèng, thôn Na Lình; Don Phù Sần, thôn Phín Ủng…
Chăn nuôi cũng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của xã Nghĩa Thuận, các hội, đoàn thể xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm tới nhân dân, triển khai tiêm phòng theo đúng kế hoạch đề ra. Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm của xã luôn ổn định. Hiện nay, toàn xã có 598 con trâu, 1.384 con bò, 32 con ngựa, 3.600 con lợn, 380 con dê, 242 tổ ong, gia cầm 16.000 con. Đây là nguồn lợi kinh tế không nhỏ của nhiều hộ dân trên địa bàn.
Nhờ việc đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, chăn nuôi đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của nhân dân trong phát triển kinh tế, tin rằng bà con vùng cao biên giới xã Nghĩa Thuận sẽ xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu