09:53, 19/10/2023
BHG – Thực hiện đột phá về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, trong nửa đầu của nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm
Với lợi thế về tiểu vùng khí hậu, Hà Giang có cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá phong phú và đa dạng. Đến nay, một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã hình thành được chuỗi giá trị như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà… Trong đó, sản phẩm cam Sành đã khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường, trở thành sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.677 ha cam, tỉnh đã quy hoạch vùng trồng tại 38 xã của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Sản phẩm cam Sành Hà Giang cũng đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Với nhiều giải pháp như: Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý cam Sành Hà Giang; tích cực đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử cùng với công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, cam Sành Hà Giang ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng, có mặt ở các siêu thị lớn trong cả nước, như WinMart, Hapro, Saigon co.op…
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn mua sắm. |
Cùng với cam Sành, chè Shan tuyết Hà Giang cũng đang trở thành thương hiệu mạnh với thị trường tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà đã có mặt tại các châu lục với hơn 20 quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh duy trì ổn định vùng sản xuất tập trung tại 43 xã đã được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý của các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần và thành phố Hà Giang với tổng diện tích trên 13.200 ha. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết như: Công ty Cổ phần chè Hùng An, Công ty Cổ phần chè Hoàng Long, HTX Chế biến chè Phìn Hồ, HTX Thương mại Tuấn Băng… Hàng năm, giá trị sản xuất chè đạt trên 670 tỷ đồng, chiếm khoảng 9% giá trị ngành trồng trọt.
Dựa trên lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng tiểu vùng, trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh tập trung phát triển “5 cây, 3 con” trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị gồm: Cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, cây dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, Tam giác mạch; bò Vàng, lợn đen Lũng Pù, mật ong Bạc hà. Cùng với việc nâng cấp, hoàn thiện các chuỗi giá trị đã có, các địa phương tập trung phát triển các chuỗi giá trị mới. Trong đó, với cây ăn quả ôn đới, quy hoạch vùng phát triển sản xuất tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá và 2 huyện phía Tây; vùng lúa đặc sản chất lượng cao tại 2 huyện phía Tây gắn với phát triển du lịch di sản ruộng bậc thang; phát triển chuỗi bò Vàng, lợn đen Lũng Pù, Tam giác mạch tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá…
Tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh thu hút được 385 tổ hợp tác, 96 HTX và 18 doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất.
“Tăng tốc” nửa cuối nhiệm kỳ
Lãnh đạo một số ngành, đơn vị của tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì). |
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 5,5%/năm; giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 63 triệu đồng; toàn ngành tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, phát triển cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất cho người dân; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc trưng dựa trên lợi thế về tiểu vùng khí hậu. Hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GAP, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước, hướng tới các thị trường xuất khẩu.
Quản lý và khai thác tốt các Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đã được chứng nhận như: Cam Sành, chè Shan tuyết, Hồng không hạt, gạo Già dui… Chú trọng phát triển các vật nuôi có thế mạnh của tỉnh theo quy mô trang trại, đẩy mạnh chăn nuôi theo tiêu chuẩn và an toàn sinh học để nâng cao giá trị sản phẩm. Thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi. Tập trung triển khai chương trình OCOP, phấn đấu đến năm 2025 có từ 5 sản phẩm đạt cấp quốc gia trở lên; gắn với hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Hải Lý nhận định: Nửa cuối của nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong bối cảnh điều kiện KT-XH có nhiều biến động, đặc biệt biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, toàn ngành tiếp tục triển khai quyết liệt các Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp bền vững. Đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách của T.Ư liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chú trọng tổ chức lại sản xuất cho nông dân; thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp của tỉnh theo chuỗi giá trị…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG