19:32, 14/10/2023
BHG – Thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) có 276 hộ dân tộc Bố Y, Dao, Mông, Tày, Nùng sinh sống. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, các hộ dân trong thôn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các giống mới vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Đến thăm gia đình ông Vương Khắc Thăng, một trong những hộ đầu tiên của thôn mạnh dạn chuyển đổi từ các loại cây rau, màu truyền thống sang trồng chuyên canh Dưa chuột. Trên cánh đồng rộng hơn 2 ha, những luống Dưa chuột sai trĩu quả đang được các thành viên trong gia đình nhanh tay thu hái. Ông Thăng cho biết: Nhận thấy việc trồng các cây lương thực truyền thống như lúa, ngô mang lại hiệu quả kinh tế thấp, từ năm 2021, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng khoảng 1.000 m2 của gia đình để trồng Cà chua và Dưa chuột. Sau vụ thu hoạch đầu tiên đem lại lợi nhuận cao, từ năm 2022 đến nay, tôi đã mở rộng diện tích trồng chuyên canh Dưa chuột và Cà chua lên 2 ha. Với giá bán dao động từ 5 – 15 nghìn đồng/kg tùy thời điểm, việc trồng Dưa chuột và Cà chua đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần so với một số cây trồng truyền thống khác. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, ngày càng có nhiều hộ học tập, nhân rộng mô hình.
Những ruộng Dưa chuột xanh tốt của người dân thôn Nậm Lương. |
Đến nay, hầu hết các gia đình trong thôn đều chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tổng diện tích trồng hoa màu thường xuyên duy trì trên 35 ha. Chủ yếu các hộ trồng Dưa chuột và Cà chua. Bà Ngũ Thị Tuyên, thôn Nậm Lương chia sẻ: Việc trồng Dưa chuột không quá vất vả nhưng phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ tưới nước, bón phân đến làm giàn cho dưa leo. Đặc biệt, việc tỉa nhánh cần đúng kỹ thuật sẽ giúp tăng năng suất, kích thích cây ra quả, làm giảm sâu bệnh, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Dưa chuột có hai vụ chính là vụ Xuân – Hè (tháng 2 đến tháng 4), vụ Thu – Đông (từ tháng 9 đến tháng 10). Sau khi một vài hộ tiên phong mang cây Dưa chuột về trồng, đến nay giống cây trồng này đã được nhân rộng trong toàn thôn. Cán bộ Nông nghiệp huyện và xã cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn chúng tôi về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, nên năng suất, sản lượng dưa cao hơn hẳn.
Để khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã Quyết Tiến chủ động kết nối với một số doanh nghiệp, HTX để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá thành ổn định. Qua đánh giá của địa phương, năng suất Dưa chuột bình quân đạt 40 tấn/ha; sản lượng dưa được thu mua vào những tháng cao điểm như tháng 8, 9 vừa qua bình quân đạt từ 9 – 11 tấn/ngày. Những hộ trồng diện tích lớn, thu nhập ước đạt từ 50 triệu đồng/vụ.
Bí thư Chi bộ thôn Nậm Lương, Chù Mìn Phù cho biết: Tổng diện tích trồng cây hàng năm của thôn là 111 ha. Từ năm 2020 đến nay, thôn đã vận động nhân dân chuyển đổi 5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu chuyên canh, nâng tổng diện tích trồng rau màu của thôn lên 35 ha. Đặc biệt, Chi bộ thôn đã ra nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; yêu cầu các đảng viên trong Chi bộ tiên phong, gương mẫu xây dựng mô hình kinh tế để nhân dân học tập, làm theo. Từ sự tiên phong của một số đảng viên, đưa giống Dưa chuột và Cà chua vào trồng, thay thế cho các cây lương thực truyền thống, đến nay đã nhân rộng ra toàn thôn. Hầu hết các gia đình trong thôn đều trồng Dưa chuột, hộ ít thì 500 m2, hộ nhiều thì trên 2 ha. Đồng thời, đưa các giống dưa mới năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương như giống dưa G7, Shiraz, Dưa chuột bao tử… vào sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Bài, ảnh: YÊN HOA