Ai lên cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, ngang con dốc Thẩm Mã sẽ thấy ngã ba đường với một nẻo ngược lên Phố Cáo, hướng kia xuôi về Vần Chải, đường rẽ nhỏ còn lại để đi về Lũng Thầu. Ngày tôi về Lũng Thầu, Phó Chủ tịch xã Ly Mí Lừ tâm sự, Lũng Thầu nằm khuất hẳn sau những dãy núi chót vót mây trời, đường giao thông về đây cũng là đường cụt, nên lâu lắm rồi mới lại có một khách miền xuôi tìm về thăm. Nhân chuyến công tác, anh ngỏ lời mời tôi lên với Điểm trường mầm non Cá Lủng, thuộc Trường mầm non Lũng Thầu. Sắp đến 20/11 nên cô trò trên ấy đang tập múa, tập hát, chắc sẽ vui lắm!
Trường của em be bé… Nằm ở giữa rừng cây
Điểm trường Cá Lủng nằm nép mình trên con dốc, xung quanh bát ngát mây trời, nhìn đâu cũng thấy một màu xanh thẫm của cây rừng và đá núi. Năm học 2024-2025, Điểm trường có hai lớp, với tổng số 52 em học sinh từ 3-5 tuổi. Phụ trách, hai lớp học ấy là cô giáo Hoàng Thị Linh (sinh năm 1994) và cô giáo Sùng Thị Chở (sinh năm 1996).
Lớp học lắp ghép của cô trò được được bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2019. Diện tích đất của điểm trường chật hẹp nên đành chia hai lớp bằng vách ngăn tạm thời, bếp ăn của lũ trẻ nhỏ cũng vì thế mà chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng. Mỗi buổi sáng cơm canh của các em học sinh sẽ được nấu tại trường chính rồi đưa vào đây bằng xe ba bánh. Đợi các con ăn xong phụ bếp của nhà trường lại kéo xe mang số bát đũa ấy ra ngoài.
Năm thứ 2 gắn bó với các em học sinh ở Cá Lủng, hai cô giáo trẻ tâm sự, hằng ngày thấy học sinh phải tự vạch lá leo núi tới lớp, các cô giáo vừa ngóng, vừa sốt ruột như lửa đốt trong lòng và chỉ thở phào khi lớp đã đủ sĩ số.
Mùa khô đến, nước nguồn dần cạn mọi sinh hoạt của cô trò đều trông vào bể trữ nước mưa đã cũ phía sau nhà. Một ngày mấy bận, hai cô giáo lại bước lên hòn đá làm chân kê, cố đu người đẩy nắp bê tông nặng trịch, xách vài xô nước để cho lũ trẻ rửa mặt và làm sạch bàn chân con con đã ken đặc bùn đất trên đường đi đến lớp. Nước trong bể chỉ dám dùng để rửa chân tay cho các con. Còn nước uống đã có máy lọc nước riêng, nhưng cũng phải dùng tiết kiệm.
Khó khăn là vậy nhưng hai cô giáo vẫn đều đặn lên lớp mỗi ngày. Lũ trẻ con vùng cao hai má đỏ hây hây như quả táo chín rất chịu khó đi học, tiếng đánh vần khi thì líu ríu sân trường yên ả, lúc lại vang vọng giữa mênh mang núi rừng. Để rồi, chiều chiều hết giờ lên lớp, các cô lại ra phía cổng nhìn theo mấy cái dáng nhỏ tí xíu, dắt díu nhau khuất hẳn dưới chân đồi rồi mới tất tả vượt mấy triền núi, tụt vài con dốc để về nhà lúc trời đã tối đen như mực.
Cô giáo em tre trẻ… Dậy em hát rất hay
Điểm trường mầm non Cá Lủng dùng chung sân chơi với hai lớp tiểu học. Phần đa các em học sinh lứa tuổi mầm non đều có các anh chị đang học ở đó. Tới giờ tan trường, các chị, các anh một tay xách cặp lồng cơm, tay kia dắt em nhỏ theo đường mòn cũ để về nhà.
Trong lớp học có em Lù Thị Chai. Năm nay Chai 5 tuổi, đã lên lớp lá, nhưng chỉ bé bằng các em đang học lớp mầm! Nhà Chai ở sau lưng quả núi, đứng từ sân Điểm trường cũng thấy con đường mòn bé tí ti dẫn về nhà Chai. Núi thì to mà bàn chân Chai thì nhỏ, buổi sáng khi sương đêm còn ướt đẫm lá cây, Chai đã mon men theo con đường ngoằn nghoèo ấy mà tới trường, kiểu gì cũng tới được lớp khi… mặt trời đã đậu trên đỉnh núi! Bố mẹ chẳng đưa em đi được đâu vì còn phải đi làm nuôi 5 chị em Chai đi học. Chai cũng không bỏ lớp bao giờ, vì đến trường là sẽ được ăn cơm ngon, nếu ở nhà có khi cả ngày chỉ ăn mèn mén với canh cải.
Mỗi giờ ra chơi, Chai tập tễnh bước thấp bước cao ra khoảnh sân con con nhìn các bạn nô đùa rồi tự hỏi, sao đôi bàn tay của Chai, đôi bàn chân của Chai lại không giống các bạn? Từ khi sinh ra em đã khuyết tật tứ chi nên mỗi lần Chai thắc mắc, cô giáo Chở, cô giáo Linh cũng chỉ biết ôm Chai vào lòng, vuốt ve mái tóc đã vàng hoe vì cháy nắng của Chai rồi bảo: Thương Chai lắm, thương Chai lắm!
Cô Linh bảo: Hôm nay, lớp tiểu học được nghỉ. Nếu để các cháu tự về chúng em không đành lòng. Đường xa vời vợi… em lo lắm. Nên những buổi học như này chúng em thường đợi phụ huynh từng cháu tới đón con về anh ạ!
Để học sinh không khóc vì nhớ nhà, cô giáo đỡ sốt ruột vì trời đang dần tối, cả lớp cùng nhau ra sân tíu tít trò chơi con trẻ. Tiếng cô giáo ấm áp, trong trẻo, tiếng trẻ con bi bô đọc theo rộn ràng khắp mấy thung sâu: Trò chơi hôm nay của chúng ta có tên là gieo mầm. Các bạn đọc theo cô nào, gieo hạt, hạt nảy mầm, một lá, hai lá, một nụ, hai nụ, một hoa, hai hoa…
Ngắm nhìn cô trò múa hát, tôi chợt nghĩ rằng, những ngày này, trên khắp các đỉnh non cao của Hà Giang đang hồng rực lên một màu hoa tam giác mạch, nhưng đó chắc chắn chưa phải là loài hoa đẹp nhất. Loài hoa đẹp nhất của cao nguyên đá vẫn đang được những người như cô giáo Linh, cô giáo Chở ươm mầm!
Lớp học “song ngữ” ở biên cương