16:09, 06/11/2023
BHG – Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng được xác định là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh. Do vậy, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cơ cấu lại sản xuất công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo công nghiệp là trụ cột quan trọng cho sự phát triển.
Nhằm phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh ta đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến: Phát triển công nghiệp trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện tốt công tác lập kế hoạch hàng năm, 5 năm, các chương trình phát triển trọng điểm, dự án cụ thể để triển khai công tác quy hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, ít đầu mối, rút ngắn về thời gian gắn với nâng cao chất lượng công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với doanh nghiệp nhằm đồng hành, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên tinh thần: “Doanh nghiệp phát tài – Hà Giang phát triển”.
Sản xuất ván ép xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Hoàng, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang). |
Thông qua khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, lĩnh vực năng lượng; khai thác, chế biến khoáng sản và chế biến nông, lâm sản đã trở thành những “bệ đỡ” quan trọng trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 40 nhà máy thủy điện đang phát điện vào lưới điện quốc gia với tổng công suất lắp máy 752,5 MW (tăng 6 nhà máy với tổng công suất 90 MW so với năm 2020). Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Các nhà máy thủy điện cơ bản vận hành ổn định, đáp ứng yêu cầu hệ thống điện của tỉnh và quốc gia; các công trình lưới điện được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, vận hành hiệu quả và có khả năng kết nối khu vực, đảm bảo cung cấp điện an toàn. Trung bình hàng năm, các nhà máy thủy điện đóng góp sản lượng trên 3.300 triệu kWh, tạo doanh thu hơn 3.500 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản hiện có 26 giấy phép khai thác khoáng sản kim loại còn hiệu lực, trong đó: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 8 giấy phép, UBND tỉnh cấp 18 giấy phép. Việc chế biến và sử dụng khoáng sản đã tuân thủ theo quy hoạch; quy mô công nghệ chế biến phù hợp với đặc điểm từng loại khoáng sản; áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao tối đa tỷ lệ thu hồi khoáng sản, đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đề ra. Đặc biệt, việc chế biến sâu khoáng sản được tỉnh ta quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đảm bảo phương châm tài nguyên khoáng sản được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH địa phương. Hiện nay, hoạt động chế biến sâu khoáng sản tập trung vào 4 loại chính là sắt, Mangan, chì kẽm, Antimon. Nổi bật trong đó, Nhà máy luyện Ferro Mangan của Công ty Cổ phần hợp kim sắt Hà Giang đi vào hoạt động ổn định với công suất 10.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ lò điện hồ quang. Còn Nhà máy luyện Antimon kim loại của Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang hoạt động với công suất 1.000 tấn/năm, tinh luyện Antimon hàm lượng lên đến 99,96%, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thông qua chế biến cam Sành, Công ty Cổ phần Cam Ta, xã Đông Thành (Bắc Quang) đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. |
Riêng ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ, mang tính truyền thống sang sản xuất hàng hóa. Hiện, toàn tỉnh có gần 260 cơ sở chế biến chè với tổng công suất trên 14.000 tấn sản phẩm/năm; trong đó, các nhà máy quy mô công nghiệp đạt hơn 8.000 tấn sản phẩm/năm. Nhiều đơn vị chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, thiết bị hiện đại, công suất lớn để tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Điển hình như dòng sản phẩm chè đen, chè xanh, chè vàng, chè Phổ Nhĩ… của Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường, Công ty Cổ phần chè Hùng An, Công ty Cổ phần trà hữu cơ Cao Bồ, Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 190 cơ sở chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tập trung nhiều nhất ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên với sản phẩm chủ yếu như: Ván ép, ghép thanh, viên gỗ, gỗ bóc, giấy… Nhiều nhà máy đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ, hoạt động hiệu quả như: Nhà máy sản xuất ván dán công suất 50.000 m3 sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Bình Vàng (Vị Xuyên); Nhà máy sản xuất ván ép công nghệ cao xuất khẩu, công suất 15.000 m3/năm tại Cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang)… Đặc biệt, tại vùng sản xuất cam Sành của tỉnh đã có 3 cơ sở chế biến, gồm: Nhà máy chế biến nước hoa quả quy mô công nghiệp của Công ty Cổ phần Tập đoàn dược Bảo Châu (Vị Xuyên) với công suất 190.000 lít/năm và 2 cơ sở chế biến cam quy mô tiểu thủ công nghiệp tại huyện Bắc Quang, đó là Công ty Cổ phần Cam Ta (xã Đông Thành) có công suất 2 tấn/ngày và Hợp tác xã Phú Vinh (xã Hùng An) có công suất 5 tấn cam/ngày.
Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn: Giai đoạn 2021 – 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 12,85%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 (giá hiện hành) ước thực hiện 9.200 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2022 và 53% so với năm 2020. Hiện nay, tỉnh ta tiếp tục tái cơ cấu ngành Công nghiệp theo hướng phát triển xanh, bền vững, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tập trung công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, vật liệu, công nghiệp phụ trợ…
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY