13:05, 08/04/2025
BHG – Các sản phẩm mang thương hiệu riêng của Hà Giang như chè Shan tuyết, bò Vàng, cây ăn quả ôn đới, mật ong Bạc hà, dược liệu, lợn đen địa phương, lúa đặc sản đang được phát triển mở rộng quy mô, khai thác hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao theo đúng chủ trương, định hướng Nghị quyết số 17, ngày 10.10.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Ngay khi Nghị quyết số 17 được ban hành, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai trong cả giai đoạn và từng năm. Cùng với đó ban hành Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 2.3.2023 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo thực hiện Đề tài khoa học “bình tuyển, chọn lọc, lưu giữ nguồn gen và khai thác hiệu quả cây ăn quả ôn đới trên địa bàn tỉnh”. Sở Nông nghiệp và PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17; thực hiện hoàn thành 4 đề tài khoa học và đưa vào quản lý, tuyên truyền, ứng dụng và mở rộng kết quả phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển KT – XH.
Dược liệu Hà Giang được Công ty Bông Sen Vàng liên kết sản xuất, chế biến. |
Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất xuyên suốt, các huyện, thành phố ban hành 12 nghị quyết, chương trình hành động, kết luận định hướng, chỉ đạo tập trung phát triển vào “5 cây, 3 con” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 17 phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn lực của địa phương. Riêng năm 2024, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo triển khai, đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 17.
Thực hiện mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng, chất lượng cao của tỉnh, đến nay tỉnh đã làm chủ được quy trình sản xuất giống tốt từ cây đầu dòng đối với các loại cây ăn quả ôn đới. Nâng diện tích trồng cây Hồng không hạt lên gần 700 ha; cây lê trên 2.000 ha; cây mận lên 818 ha. Tổng sản lượng thu hoạch ước đạt gần 4.000 tấn quả. Các loại cây dược liệu, gia vị tiếp tục được duy trì ổn định diện tích trên 25.000 ha; sản phẩm Thảo quả Vị Xuyên được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng đã xây dựng chuỗi dự án liên kết trồng, chế biến thương mại hóa các sản phẩm giá trị cao từ dược liệu và nông sản.
Trà Shan tuyết vụ Xuân được chế biến thủ công. |
Thương hiệu Tam giác mạch tiếp tục góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch của tỉnh; đồng thời liên kết sản xuất các sản phẩm từ Tam giác mạch như bánh kẹo, rượu, bia. Cây lúa đặc sản được mở rộng vùng sản xuất tại 2 huyện phía Tây; một số giống lúa đặc sản như Già Dui, nếp Quảng Nguyên, gạo đỏ được thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế cao; khai thác tốt Chỉ dẫn địa lý sản phẩm gạo Già Dui.
Chè Shan tuyết Hà Giang là sản phẩm đã khẳng định thương hiệu không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước lựa chọn trong các buổi tiếp đón các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Hiện, tổng diện tích chè Shan tuyết của tỉnh có gần 14.000 ha, phân bố khắp các huyện, thành phố; diện tích cho thu hoạch 13.485 ha, sản lượng đạt trên 42 nghìn tấn. Toàn tỉnh có 1.324 cây chè Shan tuyết cổ thụ được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Có 2 sản phẩm chè Shan tuyết của tỉnh đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia và nhiều sản phẩm được chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ ở trên 10 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đàn bò Vàng tăng qua từng năm và mở rộng chuỗi sản xuất hàng hóa. |
“3 con” ( bò Vàng, lợn đen và nuôi ong lấy mật) tiếp tục khẳng định giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Đàn bò toàn tỉnh đến cuối năm 2024 phát triển đạt trên 104 nghìn con, tăng 7,09% so với năm 2023, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 3.800 tấn; duy trì vùng chăn nuôi tập trung tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá và khai thác tốt Chỉ dẫn địa lý sản phẩm bò Vàng Hà Giang. Phát triển chăn nuôi lợn đen địa phương tiếp tục được mở rộng quy mô đàn với tổng đàn cuối năm 2024 đạt gần 156 nghìn con, tăng gần 2% so với năm 2023; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 8.160 tấn. Mật ong Bạc hà duy trì thương hiệu trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng; tổng đàn ong trên 4 huyện vùng Cao nguyên đá hiện có trên 48 nghìn đàn, sản lượng mật mùa vụ 2024 đạt trên 261 nghìn lít. Các sản phẩm chế biến từ bò, lợn như thịt sấy khô, thịt treo gác bếp, lạp sườn… ngày càng tăng sản lượng chế biến và không chỉ được tiêu thụ trong các nhà hàng phục vụ khách du lịch mà còn được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử vươn ra ngoài tỉnh. Với thịt tươi, Hợp tác xã Cát Lý (Vị Xuyên) đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bò tươi tại tỉnh và đưa ra thị trường ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi năm 2024 ước đạt gần 5.484 tỷ đồng, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 36,14% trong ngành Nông nghiệp.
Có thể khẳng định, sau 4 năm nỗ lực thực hiện, Nghị quyết số 17 đã đi vào đời sống và đạt được kết quả khả quan như: Các sản phẩm hàng hóa như chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà được mở rộng các chuỗi sản xuất; phát triển mới chuỗi lúa đặc sản, dược liệu gia vị phù hợp tiểu vùng khí hậu và điều kiện thực tiễn địa phương; xây dựng nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mật ong, bò Vàng; nâng số sản phẩm đặc trưng, hàng hóa được chứng nhận bảo hộ sản phẩm lên 9 sản phẩm; thu hút trên 20 doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư vào các chuỗi sản xuất nông sản đặc trưng hàng hóa; mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, VietGAHP…
Sự phát triển cả về quy mô và giá trị sản xuất các sản phẩm nông sản đặc trưng hàng hóa của tỉnh không chỉ là thành quả triển khai Nghị quyết số 17 mà còn hiện thực hóa khâu đột phá về “phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị” Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định. Thương hiệu nông sản đặc trưng, đặc sản của Hà Giang ngày càng được khẳng định từng bước vươn tầm quốc tế.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202504/khang-dinh-thuong-hieu-nong-san-hang-hoa-dac-trung-51b09e1/