10:37, 22/01/2024
BHG – Cùng với cảnh quan tươi đẹp, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của người dân bản địa đã và đang được khai thác, góp phần tăng sức hấp dẫn, điểm nhấn cho sản phẩm du lịch ở Quản Bạ.
Quản Bạ là huyện vùng cao biên giới, cửa ngõ của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Với vị trí thuận lợi huyện có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch. Đó là cảnh đẹp hùng vĩ của núi non, thung lũng trữ tình và những con đường uốn lượn độc đáo; Cổng trời, Núi đôi Quản Bạ; hang Lùng Khúy, hang Khố Mỷ; hồ Nặm Đăm. Đặc biệt, Quản Bạ còn là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có 19 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa truyền thống riêng biệt, từ trang phục, ngôn ngữ, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán, các lễ hội, trò chơi dân gian…
Lễ hội bắt cá truyền thống dân tộc Dao tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ. |
Những năm gần đây, huyện Quản Bạ đã làm tốt việc bảo tồn, khơi dậy, cũng như phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân cư, thông qua các hoạt động truyền dạy, phục dựng và tổ chức thành công nhiều lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa các dân tộc. Hàng năm, nhiều lễ hội lớn được tổ chức như: Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc; lễ hội ẩm thực xã Thanh Vân; lễ hội dệt vải lanh; lễ hội đan lát xã Thái An; lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông; lễ Cấp sắc dân tộc Dao; lễ hội Lồng tồng dân tộc Tày…Từ việc tổ chức các lễ hội đã huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng dân cư. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, các lễ hội được tổ chức đã tạo được tiếng vang và dần thu hút được khách du lịch tới tham dự. Đặc biệt, nhiều đoàn phượt hay những người làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đã tìm đến trải nghiệm các lễ hội và cũng chính họ trở thành kênh truyền bá thông tin rộng rãi hơn.
Ngoài các lễ hội, hiện nay, huyện Quản Bạ đang duy trì và tổ chức tốt hoạt động của Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ. Nằm cách trung tâm huyện khoảng 6 km, đây là làng du lịch OCOP 4 sao được UBND tỉnh công nhận vào năm 2022 và được nhận giải thưởng ASEAN giai đoạn 2023 – 2025 về lĩnh vực du lịch cộng đồng.
Du khách trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải lanh tại lễ hội dệt vải lanh truyền thống dân tộc Mông. |
Anh Lý Tà Đành, Trưởng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ cho biết: “Hiện nay, thôn có 60 hộ dân, trong đó có 33 hộ làm du lịch cộng đồng. Với doanh thu khoảng 500 triệu đồng/tháng đã giải quyết việc làm cho trên 130 lao động tại chỗ. Để thu hút khách du lịch, thôn đã thành lập 3 đội văn nghệ, mỗi đội khoảng 10 người, với mục đích giao lưu văn hóa, văn nghệ hay tham gia các lễ hội truyền thống và văn hóa ẩm thực để phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu thưởng thức”.
Với tiềm năng dồi dào, phong phú, để thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói”, huyện Quản Bạ đã triển khai nhiều chương trình, dự án và những phần việc cụ thể, trong đó tập trung vào thế mạnh về văn hóa. Đó là, phục dựng các lễ hội truyền thống; tích cực gìn giữ, bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Duy trì hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian, các câu lạc bộ văn nghệ, những người có tâm huyết với văn hóa dân tộc. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch.
Việc xác định và xây dựng thương hiệu du lịch các địa phương từ văn hóa bản địa thật sự đã tạo sự khác biệt hấp dẫn cho từng vùng, miền. Trong năm 2023 lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại huyện Quản Bạ là 450.000 lượt khách, đạt 150% kế hoạch giao. Trong đó, khách du lịch tham quan, trải nghiệm, dự các lễ hội tại địa phương chiếm tỷ lệ khá cao.
Đồng chí Viên Xuân Tùng, Bí thư Huyện đoàn Quản Bạ cho biết: “Trong năm qua, Huyện đoàn phối hợp UBND các xã, thị trấn tổ chức nhiều lễ hội văn hóa truyền thống gắn với hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống đã quảng bá được tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Đồng thời gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm đặc trưng, ẩm thực truyền thống của địa phương đến với du khách thập phương”.
Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU