15:41, 25/12/2023
BHG – Với trên 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, tỉnh ta xác định nông nghiệp là 1 trong 3 “trụ cột” của nền kinh tế. Bám sát, đưa các chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn vào cuộc sống, tỉnh ta luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp và tiếp sức cho “tam nông” bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch và khơi thông dòng chảy tín dụng để phát triển HTX nông nghiệp nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Với quan điểm tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; cải tạo và nâng cấp hệ thống thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, điện nước, chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, kho bảo quản sau thu hoạch… Xây dựng các cơ chế, chính sách để đảm bảo các tổ chức kinh tế tập thể có thể tiếp cận tốt nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp. Hướng dẫn các HTX tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh, của huyện như: Vốn đầu tư có thu hồi, Quỹ phát triển HTX do Liên minh HTX tỉnh quản lý để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, giúp cho các HTX đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, giúp thành viên tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Sản phẩm tiêu biểu của các hợp tác xã được trưng bày, giới thiệu tại thành phố Hà Giang. |
HTX dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng là một trong những HTX chủ lực của miền đá Mèo Vạc tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến các sản phẩm từ mật ong Bạc hà, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH, giảm nghèo bền vững cho người nông dân trên địa bàn. Anh Hoàng Lão Lử, đại diện Ban điều hành HTX chia sẻ: Được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nên từ số vốn ban đầu 550 triệu đồng, sau 7 năm đến nay tổng nguồn vốn hoạt động của HTX đã tăng lên 3 tỷ đồng; số thành viên ban đầu từ 8 người được nâng lên hơn 30 người và gần 10 lao động thường xuyên, gần 100 lao động thời vụ. Quy mô hoạt động của HTX mở rộng thêm một số lĩnh vực kinh doanh về chăn nuôi, trồng dược liệu; số đàn ong nuôi tăng lên gần 2.000 tổ để lấy mật Bạc hà, chủ yếu người nuôi ong là người địa phương tại chỗ được HTX hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm. HTX đầu tư nâng cấp trụ sở giao dịch, mở rộng khu chế biến, quy mô chuồng trại chăn nuôi, xây dựng nhà ở cho công nhân; đầu tư dây chuyền sản xuất bằng công nghệ máy hạ thủy phần để nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong. Để đạt các chứng nhận về tiêu chuẩn kỹ thuật, HTX tuân thủ các quy trình chăn nuôi, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ; một số sản phẩm mật ong của HTX được công nhận đạt chất lượng 4 sao OCOP, được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn, giống đối với HTX khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ chế biến sản phẩm nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Trợ giúp các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm liên kết với các HTX nông nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; giúp các HTX quảng bá sản phẩm dịch vụ và trợ giúp việc tìm hiểu, nắm bắt, tiếp cận thị trường phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thông qua các hội chợ thương mại tổ chức trong và ngoài tỉnh. Các huyện, thành phố hỗ trợ HTX các máy móc, thiết bị phục vụ sơ chế, bảo quản chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lò Thị Mỷ chia sẻ: Tiếp sức cho HTX phát triển, các thủ tục hành chính về giao đất, thuê đất đối với HTX được giảm bớt thời gian và thực hiện song song với các thủ tục hành chính khác có liên quan để giảm bớt thời gian cho nhà đầu tư, các HTX trên địa bàn tỉnh. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Giang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cho HTX vay vốn; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục; rà soát quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn đối với HTX đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với quy định của ngành, tạo thuận lợi cho HTX vay vốn ngân hàng. Các tổ chức tín dụng thường xuyên nắm bắt, giải đáp kiến nghị, đề xuất của khách hàng vay vốn, trong đó có các HTX, tổ chức kinh tế tập thể, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho HTX, tổ chức kinh tế tập thể trong quan hệ vay vốn ngân hàng.
Đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân
Để phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế, tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể theo chức năng nhiệm vụ của từng thành viên gắn với địa bàn phụ trách nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giúp các HTX ổn định hoạt động. Phối hợp chặt chẽ với cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước đối với các HTX; khảo sát, điều tra thực trạng các HTX để có biện pháp hỗ trợ hoạt động đúng Luật HTX năm 2012; xây dựng phương án kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, hướng dẫn giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động nhiều năm, không còn khả năng củng cố; rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn quản lý, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX.
Qua xúc tiến thương mại, sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được giới thiệu tới đông đảo người dân và du khách. |
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp, các ngành, địa phương đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với HTX; bố trí cán bộ theo dõi, đánh giá tình hình phát triển HTX nông nghiệp; hướng dẫn, liên kết và hỗ trợ HTX phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp được duy trì thường xuyên; các hành vi vi phạm pháp luật của HTX và cá nhân, tổ chức có liên quan bị xử lý theo quy định của pháp luật đã giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thực hiện các chính sách về hoạt động và đầu tư của HTX.
HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc (Bắc Mê) được biết đến với sản phẩm tinh bột nghệ vang danh trong và ngoài nước. Nhận thấy việc trồng cây nông nghiệp trên địa bàn còn manh mún chưa thực sự trở thành hàng hóa, cây nghệ cho sản lượng cao nhưng thiếu khâu chế biến nên các hộ trồng nghệ trên địa bàn xã thành lập HTX với tinh thần tự nguyện, cùng nhau góp vốn, góp công sức và tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ban đầu do thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, dẫn đến thu nhập của người dân thiếu ổn định, gặp nhiều rủi do trong sản xuất. Từ năm 2013, khi chuyển hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, HTX tập trung tiếp cận bài toán kinh tế theo hướng tăng giá trị gia tăng và lợi nhuận trên cơ sở giảm giá thành đầu vào; từng bước đầu tư, tích lũy để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.
Chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn cho biết: Để có thể đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là thị trường khó tính như Nhật Bản, HTX quan tâm đầu tư mẫu mã bao bì, chất lượng hàng hóa, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn rõ ràng, được các cơ quan đơn vị kiểm tra đo lường chất lượng chứng nhận. Để đáp ứng nhu cầu, từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, HTX đang mở rộng quy mô dây chuyền sản xuất; ký kết với người dân trồng nghệ trên địa bàn để thu mua, bao tiêu sản phẩm; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Đồng hành cùng các HTX, các cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã quán triệt, xác định trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết và các quy định pháp luật, chính sách về phát triển HTX; đưa nhiệm vụ phát triển HTX vào các nghị quyết, phương hướng, nhiệm vụ hàng năm, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với HTX; phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm pháp luật về HTX; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các HTX, thành viên và người lao động trong HTX. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng và phát triển HTX, xây dựng những mô hình HTX mang tính đặc thù của các tổ chức chính trị – xã hội… Từ đó, xuất hiện không ít HTX có vai trò “bà đỡ” dẫn dắt sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
—————
Kỳ 2: Vững vai trò “bà đỡ” dẫn dắt sản xuất.
Bài, ảnh: Kim Tiến